Thứ Hai, 1 tháng 8, 2016
Huỳnh Xuân Sơn cảm nhận bài thơ Chiều Nghĩa Trang của tác giả Trần Đức Thái
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã từng nói: “Tôi cho là từ chất liệu đời sống trở thành văn chương giống như gạo nấu thành cơm và rượu. Văn xuôi của chúng tôi là cơm, thơ là rượu. Thơ là tinh chất cuộc đời…”Nhưng tinh chất cuộc đời chắt lọc từ đất, nước, ánh sáng, và không khí, để nuôi dưỡng chờ mùa gặt, trải qua chà sát sàng sảy rồi nấu cơm ủ men, mới đem chưng cất, thành quả thu hoạch mỗi người mỗi khác. Cũng như bản thân giọt Rượu thành bại một phần lớn do người thưởng thức ! Người thấy cay nồng đắng khi nhấp môi, nhưng càng uống càng thấy men say ngọt ngào. Người thì mới nhấp đã bỏ ly xuống….
Một ly rượu nhỏ, trong vô số ly rượu tinh chất cuộc đời vừa mới chưng cất xong và mời bạn đọc thưởng thức trên trang Thơ Trần Đức Thái. Tôi không hẳn là người biết uống rượu Nhân Tình Thế Thái nhưng cũng muốn thưởng thức hương vị cay nồng đắng xem có nhận được chút men say nào của ly rượu Tinh chất cuộc đời mang tên:
CHIỀU NGHĨA TRANG
Chiều tà theo ngọn gió hoang
Đôi chân vô lối,rẽ ngang sá cầy
Ngỡ ngàng - Vẫy cánh - Bướm bay
Nghĩa trang hun hút,lá lay tứ bề,
Cuốc kêu thảng thốt triền đê
Cõi đời tục lụy...Bến về đây chăng?
Ngói hài theo mái uốn cong
Thiên niên - Ai đó - Chắc mong vững bền!
Sè sè nấm đất kề bên*
Dầm mưa,giãi nắng,gió xiên tháng ngày.
Này lăng,này nấm,này cây...
Một vuông yên nghỉ mà đầy ngổn ngang !
Kẻ thì trắng ngợp màu tang
Người vành mây xám thắt ngang lưng trời.
Bời bời nhớ đám bạn tôi
Dưới mênh mang nước Tháp Mười ngóng...Quê !(Trần Đức Thái)
* Ý thơ Nguyễn Du
Mới chỉ nhìn lời tựa Chiều Nghĩa Trang hẳn nhiên là khó đọc thơ với tâm trạng thoải mái được. Ly rượu này quả thật tôi đã rất phân vân khi nhấm nháp hương vị của nó. Nhưng ẩn chứa sau những câu thơ được ghép vần Sáu - Tám rất đơn giản mộc mạc cùng thông điệp mà bài thơ muốn gửi gắm, lại là những tứ thơ tình sâu ý nặng ..Đặc biệt khi đọc hai câu kết
Bời bời nhớ đám bạn tôi
Dưới mênh mang nước Tháp Mười ngóng...Quê !
Xem lại thì thấy tác giả người quê lúa Thái Bình. Ông dời binh nghiệp chắc đã mấy chục năm. Nỗi đau của người lính già vẫn lẩn khuất trong từng câu chữ…Tôi bỗng hiểu vì sao ông lại viết về cái nơi mà không ai muốn đến này. Lý do đưa ông đến cũng thật khác người
Chiều tà theo ngọn gió hoang
Đôi chân vô lối,rẽ ngang sá cầy
Người cựu binh già có lẽ sau một buổi cầy ruộng, mồ hôi sa ướt áo, đôi chân có phần mỏi mệt muốn tìm chỗ nghỉ ngơi chăng? Không ! hình như không phải vậy, mà “rẽ ngang sá cầy” do “ngọn gió hoang”đã khiến “đôi chân vô lối” dẫn đường.. Gió nào đi hoang trên cánh đồng mùa cày phơi ải? Cuối thu có gió heo may già cỗi? đầu đông hoanh lạnh cơn gió bấc non tơ? Ngọn gió hoang vu? Trong chiều tà hay cơn bão trong lòng của người dân cầy “Chính nhân quân tử” bước vào buổi xế chiều hoàng hôn vừa buông của đời người? đưa lối tới nơi mà ít ai muốn tới. Để rồi ông cảm nhận nơi ấy với:
Ngỡ ngàng - Vẫy cánh - Bướm bay
Nghĩa trang hun hút,lá lay tứ bề,
Cuốc kêu thảng thốt triền đê
Cõi đời tục lụy...Bến về đây chăng?
“Nghĩa trang hun hút…”này chắc chắn không phải nghĩa trang Cực Lạc Thái Bình nơi mỗi ngôi mộ đều gắn những bài thơ, của con cháu gửi tới ông bà, cha mẹ, của vợ gửi cho chồng, của chồng gửi cho vợ ở Huyện Dương Minh Châu tỉnh Tây Ninh. Không phải nghĩa trang trong thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa
Người hạnh phúc và người đau khổ
Đều gặp nhau trắng toát ở nơi này
Đều dài rộng như nhau vuông cỏ biếc
Đều ấm lạnh như nhau trong hơi gió heo may (Ở nghĩa trang Văn Điển-Trần Đăng Khoa).
Mà có lẽ là một nghĩa trang thuộc quê Lúa Thái Bình. Quê hương ông, có cánh bướm, có lá lay và đặc biệt tiếng “cuốc kêu thảng thốt triền đê” hai từ “thảng thốt” của câu thơ, đi trước câu hỏi “Cõi đời tục lụy… bến về đây chăng?” đã kéo cả khổ thơ chìm xuống theo tâm tư ông, khi bước chân vô lối, đưa ông đi tới đây, và ám ảnh nơi nghĩa trang chiều chạng vạng cùng suy tư của người “lạc bước” theo “cơn gió hoang” đã cuốn người đọc đi theo nỗi niềm tác giả
Ngói hài theo mái uốn cong
Thiên niên - Ai đó - Chắc mong vững bền!
Sè sè nấm đất kề bên*
Dầm mưa,giãi nắng,gió xiên tháng ngày.
Bốn câu thơ của tác giả Trần Đức Thái tả thực khung cảnh mà ta có thể gặp được ở phần lớn các nghĩa trang trên khắp quê hương Việt Nam từ vùng núi cao đến đồng bằng. Con cháu có tiền về xây mồ mả ông bà cha mẹ theo kiểu nhà xây sau phải to hơn, cao hơn, nhà xây trước…Thậm chí ngay khi còn sống nhiều người bỏ tiền tỷ ra mua mộ phần cho mình đợi ngày về với ông bà. Những mộ phần cho người sống như vậy ta có thể gặp ở Công Viên Nghĩa Trang Bình Dương, Hay Siêu công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên…
Những “ngói hài theo mái uốn cong” có lẽ “Ai đó” không chỉ “mong vững bền đến trăm năm, mà còn muốn nổi bật giữa “bến về…” mà nơi đó rất nhiều những “nấm đất” mà “dầm mưa giãi nắng gió xiên tháng ngày”. Ngôi mộ Đạm Tiên mà Đại Thi Hào Nguyễn Du miêu tả khi nàng Kiều đi tảo mộ trong tiết Thanh minh: “Sè sè nắm đất bên đường..” đã được tác giả Trần Đức Thái mượn để miêu tả những nấm mộ của những người dân nghèo yên nghỉ. Ai may mắn còn con cháu thì mỗi năm đắp thêm nắm đất cũng đỡ tủi, người vắn số không con cháu hoặc con cháu đi xa thì trải qua mưa nắng dãi dầu phẳng dần rồi mất hẳn, đúng nghĩa phận người “trở về với cát bụi
Nhà thơ Trần Đăng Khoa khi viết Nghĩa Trang Văn Điển ông đã thấy:
Ôi thiên nhiên cám ơn người nhân hậu
Những so le người kéo lại cho bằng
Ít nhất cũng là khi nằm xuống
Trong mảnh gỗ rừng dưới một vầng trăng (Trần Đăng Khoa)
Bài thơ ấy ra đời năm 1982 vậy mà sau 32 năm mọi điều đã thay đổi hết, Khắp các nghĩa trang giờ đây “Mọi so le” “Người kéo” so le thêm thì phải! Ít nhất là trong thơ của tác giả Trần Đức Thái và trong cảm nhận của người viết bài:
Này lăng,này nấm,này cây...
Một vuông yên nghỉ mà đầy ngổn ngang !
Kẻ thì trắng ngợp màu tang
Người vành mây xám thắt ngang lưng trời.
Bốn câu thơ người lính già Trần Đức Thái đã nói đủ nói rõ và nói hết về hiện thực hôm nay khi ông “rẽ ngang sá cầy” để lạc lối vào Nghĩa trang trong một buổi chiều đầu đông 2014. Vâng người viết và có lẽ nhiều bạn đọc khác cũng có cùng suy nghĩ chỉ “một vuông yên nghỉ mà đầy ngổn ngang”. Hai từ ngổn ngang có lẽ tác giả còn muốn nói đến không chỉ có “cõi âm” nơi khi con người ai cũng phải một lần về đó yên nghỉ! Mà có lẽ ông còn muốn nói đến chính những người đang sống, và một mặt trái trong xã hội hôm nay.
Vâng có những Lăng tẩm với “ngói hài theo mái uốn cong” nổi bật giữa nghĩa trang thì người thân của những người nằm trong đó phải giàu có, “Có tiền mua tiên cũng được” các cụ xưa đã nói thế, huống chi là xây “một vuông yên nghỉ” cho người đã khuất…Cứ nhìn những ngôi mộ to cao nhiều tầng nhiều mái là đủ biết con cháu họ là tầng lớp nào trong xã hội hôm nay!
Còn những “này nấm…” thì có lẽ không “vô danh” thì cũng là những thành phần “bần cố nông” trong xã hội hôm nay. Con cháu họ có khi cơm chưa đủ no, áo chưa đủ ấm..Ngày họ nằm xuống chiếc áo quan tẩm niệm có khi cũng nhờ quyên góp của xóm giềng mới có thì lấy đâu ra “này lăng..”
Xã hội phát triển, đưa cuộc đời sống của con người phát triển theo hướng tốt hơn nhưng lại kéo theo nhiều hệ lụy đau lòng, đâu chỉ với người đang sống mà xâm lấn đến cả nơi yên nghỉ của người đã khuất, cứ tưởng xuôi tay nhắm mắt là buông bỏ, là hết.
Đâu chỉ có nghĩa trang quê tác giả …Ngay như bản thân người viết bài mới thăm mộ em trai…Khi em mất gia đình đã cẩn thận xây cất cho em, tuy không mái, không tầng, không cao, không to, nhưng cũng không để em phải tủi như “sè sè nắm đất bên đường” Phía trước xây một bồn hoa để cho vợ con em trồng vài khóm cúc cho ấm nơi em nằm…7 năm trôi đi thì một hôm ngôi mộ bên cạnh được con cháu xây cất tầng lầu cho người thân. Đám con cháu coi hướng sao đó mà sẵn sàng phá bồn hoa của ngôi mộ em nằm. Rồi lát đá hoa cương xiên vô sát thành mộ cho vuông bệ bước lên ngôi mộ ba tầng của thân nhân họ….Nhà xa cha mẹ già neo đơn khi ra thăm đã thấy thế, thôi cũng đành chịu, chứ không lý đi tranh cãi với những kẻ mà người đời vẫn gọi là “lũ vô liêm sỉ…” khi có những việc làm bất nhân như thế, hay là mình lại đi phá bệ bước của họ để trả lại bồn hoa thì cũng đâu khác gì họ…Người thân họ nằm dưới mộ cao tầng ấy hẳn không muốn con cháu mình làm như vậy!
Trở lại với Chiều Nghĩa Trang của người lính già Trần Đức Thái. Khi lạc lối vào nghĩa trang, cám cảnh giữa cõi hoang lạnh. Ông liên tưởng tới thế giới của những người đang sống hôm nay. Sự phân hóa giàu nghèo mỗi ngày mỗi xa. “Kẻ ăn không hết, người lần không ra.” Có ở khắp nơi từ nông thôn đến thành thị. Thế hệ của ông là thế hệ tuổi thanh xuân phả trải qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt của cuộc chiến giành độc lập tự do…Những tưởng bao sinh mạng, bao xương máu trong đó có ông và các đồng đội góp phần, sẽ đánh đổi được những cơn gió bình yên, mang theo nắng ấm gieo lên mọi mái nhà…Nhưng có lẽ ông và rất nhiều đồng đội của ông vẫn phải chờ…Chờ đến bao giờ thì có lẽ người viết không biết câu trả lời….
Nhưng Chiều Nghĩa Trang thì cũng đã đến hai câu kết, kéo tôi, kéo bạn, kéo tác giả về với thực tại.
Bời bời nhớ đám bạn tôi
Dưới mênh mang nước Tháp Mười ngóng...Quê !
Họ là những người lính hy sinh mà chưa tìm ra phần mộ, hoặc giả họ đã tan vào mênh mông nước lớn, nước ròng Đồng Tháp Mười… Họ ngóng quê, tác giả mong họ được trở về quê, người viết mong và mong rằng bạn đọc cũng mong sự ngóng đợi của những người lính đã “mãi mãi tuổi hai mươi” sẽ được trở về quê hương dẫu có chịu cảnh “sè sè nắm đất kề bên” những “Này Lăng…” nguy nga cao lớn sừng sững cũng được…Nỗi niềm trăn trở này, nỗi ngóng quê vời vợi này với tác giả Trần Đức Thái là như vậy, nhưng có lẽ trên khắp các chiến trường còn nhiều lắm những “bời bời nhớ…” và không chỉ “dưới mênh mang nước Tháp Mười…” mà trong từng mạch nước, trong từng tấc đất nơi chiến tranh gieo tang tóc đều có sự hiện diện tương tự…
Ly rượu mang tên Chiều Nghĩa Trang của tác giả Trần Đức Thái vừa chưng cất từ những Tinh Chất cuộc đời, từ sự chiêm nghiệm cuộc sống bằng chữ Tâm một “chính nhân quân tử” Người viết đã thưởng thức xong và nhận thấy có vị đắng, vị cay, vị chát, chút men nồng tình cảm chứ không tìm thấy chút ngọt hay hương thơm nào từ dư hương của nó…
Có thể với tuổi đời và vốn sống còn có hạn, nên cách cảm nhận chưa đúng với tâm tư tác giả và phần đông bạn đọc, nhưng với tất cả những gì người viết có được sau những năm tháng lớn lên và trải nghiệm cùng tình yêu với thơ. Người viết đã cố gắng chuyển tải hết sức mình, cũng mong được lượng thứ nếu có sai sót…
Sài Gòn 20/10/2014
Huỳnh Xuân Sơn
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét