Thứ Hai, 1 tháng 8, 2016

Tản Mạn cùng bài thơ Vô Đề trong tập thơ Giọt Mưa Ngâu của tác giả Trần Xuân Khóa K8 SPQN



“Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”. Câu nói này cứ ngỡ chỉ dành cho những người có duyên gặp gỡ nhau giữa biển người bao la. Nhưng nhân duyên “tương ngộ”đến với người viết và tập thơ Giọt Mưa Ngâu thì lại thật bất ngờ…
Buổi trưa rộn rã ở nhà hàng Trống Đồng, thành phố Ban Mê Thuột, lần đầu tiên sau vô số lần đi tham gia họp mặt cùng ông xã, người viết được tặng quà cùng 12 anh chị khác vì đi dự họp có đôi có cặp…Phần quà ấy là niềm vui rất lớn cho cá nhân người viết. Khi bốc thăm nhận quà lưu niệm người viết lại may mắn có quà và phần quà vẫn là kỷ niệm chương xinh xắn bằng gỗ…Chị cựu giáo sinh tặng quà kèm theo câu đùa vui
–Em có quà rồi mà.
Bên cạnh là một chị giáo sinh có lẽ đã ngoài bảy mươi rụt rè đề nghị:
-Cô ơi hay cô đổi cho tôi
Không ngần ngại quay sang đưa cho chị, lúc này người viết mới thấy trên tay chị đang cầm tập thơ…
Giọt Mưa Ngâu là tên tập thơ của tác giả Trần Xuân Khóa cựu giáo sinh K8.
Mở tập thơ theo thói quen, nhìn vào trang 31 tôi gặp bài thơ
Vô Đề
Em đến mùa xuân đến
Em đi lá thu đi
Đời anh khô héo còn gì
Chao ôi! Bỗng chốc xanh rì lộc non (Xuân Khóa)
Với niềm đam mê thơ thôi thúc, nên khi xuống hết con dốc của nhà hàng là người viết đã đọc xong…
Giọt Mưa Ngâu ra đời đã mười năm do NXB văn Nghệ TPHCM phát hành.
37 bài thơ trong Giọt Mưa Ngâu là 37 khúc tâm tư, hoài niệm, là “Tâm Tư Chiều, đôi khi là Độc Thoại của thầy giáo Xuân Khóa khi ấy đã qua tuổi “Ngũ thập tri thiên mệnh” .
Ngồi trên xe về khách sạn Triệu Vũ ,người viết kể về nhân duyên tập thơ với mình, mấy chị đồng hành cười “Mơ mộng”.
Mà có lẽ người viết đã “mơ mộng”thật.
Buổi chiều, trên chuyến xe đi thăm quan khu bảo tồn lan rừng Trohbư cùng các anh chị đoàn cựu giáo sinh Bình Định. Loanh quanh một hồi sao đó đến chuyện thơ ca …Người viết bất giác đọc bài thơ Vô Đề ở trên. Vậy là gần hai chục người xoay quanh bài thơ ấy, mỗi người một ý, người thì nói chắc “Trâu già muốn gặm cỏ non”, người thì nói “Phút giây ngoài vợ ngoài chồng”… Thật thú vị….
Người viết đã có ý riêng của mình. Nhưng với tác giả Xuân Khóa thì quả thật mới “Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình..” Nên tối về ngồi phân vân chưa dám viết…
Mở cửa phòng tính đi ra sảnh, gặp các anh chị ở đoàn Sài Gòn đang hát múa say sưa.
Người viết ngồi xem, nào ngờ họ đang chơi trò chỉ định sau khi hát…
Một chị chỉ người viết, khổ nỗi người viết không biết hát. Trong lúc ấy tất cả đồng loạt vỗ tay và hô lên
-Hát đi, hát đi
-Không biết hát thì đọc thơ! May sao một anh nói ….
Vậy là Vô Đề lại được cất lên .Khi đọc xong người viết mới nói
-Dạ“Đời anh khô héo còn gì” chắc cũng giống như anh Pháp (Trần Đạo Pháp k3) ý, tức là còn cành cội nhưng sắp cạn nhựa rồi!
Nào ngờ lúc chiều mới thấy anh đi khập khiễng vì đau khớp, mà giờ anh bật dậy rất nhanh, ưỡn ngực, hiên ngang bước vòng quanh sảnh và nói:
–Mi xem ta như vậy mà hết nhựa là hết làm sao?
Tất cả đồng loạt vỗ tay không dứt..Người viết lúng túng nhìn quanh tìm viện binh mà chưa thấy đành đổ quấy:
- Vậy thì “hết nhựa như HKT nhà em vậy! May quá, anh không có ở đây
- Ừ phải vậy chứ ! anh Pháp nói
Mọi người xung quanh mới vừa dừng vỗ tay, lại thấy anh khập khiễng quay lại chỗ ngồi.
Mới hay, câu thơ “Đời anh khô héo còn gì”.Người viết mang gắn với anh Pháp mà đã cho anh có mấy phút quên đau chân, như thể tâm hồn chàng trai tuổi hai mươi ẩn trong thân thể của một thầy giáo già hơn 70 tuổi.
Mới mùa đông ngấp nghé lại thấy ngay mùa xuân tràn ngập trong“Chao ôi! Bỗng chốc xanh rì lộc non.
Chỉ tiếc một điều, quy luật của tạo hóa muôn đời không thay đổi. Xuân đi, hạ đến, Thu sang,rồi dù muốn hay không mùa đông cũng về. Giữa mùa đông, mà có được, dù chỉ trong chốc lát, cảm giác cả mùa xuân đầy sức sống quanh mình, cũng thật thú vị biết bao.
Với tác giả Trần Xuân Khóa thì khi “Em đến mùa xuân đến”.Có lẽ mùa xuân ấy đến , ở lại “đâm chồi nảy lộc”. Và, rồi mùa xuân ấy đi xa, có lẽ xa lâu rồi thì phải.
Người viết tự hỏi: Cả một mùa hạ rực lửa mà anh bỏ qua, phải chăng là một chuỗi dài bất an. Để rồi xuất hiện “Lá thu đi” mang theo cả “Em đi”.Mùa thu với thơ, với nhạc, với nhiều người lãng mạn, lắm khi tiễn mùa đi, họ lưu luyến không nỡ xa…Nay thu đi cùng từng chiếc lá rơi với một nhịp thơ đứt quãng….Mang đến một tâm trạng buồn, một câu hỏi tu từ, mà ít ai muốn gắn với mình, nhất lại là đàn ông khi vừa qua tuổi “.. tri thiên mệnh”. “Đời anh khô héo còn gì”.Cội cây cuối thu sau mùa trút lá, khẳng khiu trơ trọi, lại ủ mầm tích nhựa sống, chờ một mùa xuân mới hoặc giả chờ một vòng đời mới…
Trong suốt thời gian dài đằng đẵng ấy, may mắn có những phút giây, dù chỉ một chốc, một lát thôi, ta được tắm hồn mình dẫu già nua, cằn cỗi, trong cảnh sắc Xuân, mới thấy tuyệt vời làm sao! Để rồi chợt hiểu vì sao sau câu hỏi, tác giả lại thốt lên “Chao ôi!” khi mà bất giác xung quanh là biểu tượng mùa xuân xuất hiện, gọi mời: “Xanh rì lộc non”.
Lộc non cần chăm chút, nâng niu và biết chờ đợi,đến một ngày nảy nụ, đơm hoa kết trái. Mong sao khi ấy tác giả hái trái ngọt thì Vô Đề sẽ có tựa đề..
Sài Gòn 4/12/2014

Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét