Thứ Hai, 1 tháng 8, 2016

Ngọn Lửa Sư Phạm Quy Nhơn Cháy Trong Tim "Người Ngoại Đạo"



Ban Mê chiều nghiêng, nắng dịu dàng gió nhẹ nhàng dõi theo dòng hoài niệm chảy trong gần hai trăm trái tim “ thanh xuân”, ẩn trong bầu ngực căng tràn sức sống, của những mái đầu bạc, những đôi chân chầm chậm cuối chiều. Trên rất nhiều vòng quay của những bánh xe, có bánh xe của chiếc phi cơ đưa con tầu ra đường băng bay vào không trung tìm về Ban Mê Thuột, Có vòng quay của bánh xe lửa xuôi nam từ Huế, có vòng quay của những chiếc xe hơi sang trọng, có vòng quay của bánh chiếc xe đò, Có thêm vòng quay của dăm chiếc xe gắn máy từ xa hăm hở leo đèo. Cảm động nhất là vòng quay của hai bánh chiếc xe lăn …Tất cả lăn bánh cùng chuyên chở những kỷ niệm một thời xa đã rất xa, có lẽ gần nửa thế kỷ nếu tính từ cột mốc 1975 và xa hơn thế nữa…hướng về Bản Đôn về bên dòng sông Serepôk về với thiên nhiên, về với ánh lửa ,về đứng trên vùng đất Hoàng Triều Cương Thổ để mà nhận diện, để rồi hàn huyên, để rồi tâm sự, để rồi rơi nước mắt, để rồi vỡ òa niềm vui.. Tình thầy trò, tình đồng môn của họ đã, đang và sẽ mãi lan tỏa theo gió đại ngàn về khắp mọi miền quê.

Là người “Ngoại đạo”. Nó được may mắn chứng kiến lần hội ngộ có một không hai này, của thầy trò mười ba khóa cựu giáo sinh Sư Phạm Quy Nhơn (SPQN) trên cao nguyên đất đỏ vào một chiều cuối thu 2014. Trong chuỗi sự kiện của lần hội ngộ này thì Đêm lửa trại tại khu du lịch Thác Bảy Nhánh Bản Đôn đã làm Nó rưng rưng cảm động. Tình thầy nghĩa bạn của những mái đầu nhuốm màu sương gió- người trẻ nhất cũng ngoài sáu chục, có anh chị gần 80 và đặc biệt là các thầy những vị giáo sư khả kính nay đã trên 80 tuổi.Người may mắn thành đạt làm cán bộ cấp cao, người theo nghiệp làm thầy vừa về hưu, người không còn theo nghề thì làm nông, làm rẫy, hay buôn bán.. Cá biệt có anh đã theo nghiệp tu hành từ ngày xảy ra biến cố 1975..Nhưng khi những chiếc xe dừng bánh, họ ùa xuống, mọi khoảng cách về nghề nghiệp, về tuổi tác đều không còn ý nghĩa nữa, chỉ còn lại sự háo hức, rạo rực vô tư trong sáng.Trái tim của họ đang đập bằng nhịp đập của thời hoa niên .Ngày ấy họ là những chàng trai cô gái mười tám đôi mươi,tràn đầy nhựa sống.

Nó đã chứng kiến những gương mặt rạng rỡ khi họ nhận ra nhau, tay bắt mặt mừng..Những khoảnh khắc máy ảnh ghi lại như vô tận…Họ hình như đã quên mình là ông nội bà ngoại, sau một hồi nhận diện, hàn huyên…Nó theo đoàn các anh các chị thăm quan nhà Dài của Đồng Bào Ê- Đê..Vịn “đôi bầu sữa mẹ” bước lên nhà Dài.Qua khung cửa, đập vào mắt Nó là gian hàng lưu niệm chắn ngay khoảng không gian trước cửa của ngôi nhà…(Giá như họ bố trí cuối căn nhà thì hay biết mấy). Người hướng dẫn viên có lẽ là người Đồng bào Ê Đê hay Mnông nên tiếng Việt còn hơi cứng..Nó cố nghe để hiểu về Nhà Dài tại sao lại là tên gọi ấy? Bởi người đồng bào theo chế độ Mẫu hệ nên mỗi khi con gái lớn bắt chồng về thì lại nối thêm một gian ra sau. Căn nhà càng dài thì chứng tỏ chủ nhân của căn nhà càng hưng thịnh… Căn bếp chính của nhà Dài cùng mấy cái nồi đất mà xưa kia người Đồng bào dùng để nấu nướng, đặt ngay “Phòng khách” của nhà Dài…Cây Nêu rồi hàng Ché cổ (Một sợi cáp dài cùng những con ốc vít xiết cổ hàng ché thật đau lòng Nó). Dọc căn nhà dài về phía sau là những vật dụng của người đồng bào Ê Đê..Gian cuối là căn bếp hàng ngày nổi lửa và hôm nay cũng đang le lói ánh lửa trong chiều tà.Nó say sưa ngắm tất cả, nhưng cuốn hút Nó nhất có lẽ là những chiếc chuông gió, khi đưa tay khẽ đu đưa, lập tức âm thanh vang lên khiến Nó cảm thấy tức tức nơi ngực trái…Có một chút gì mất mát trong Nó về văn hóa của người Đồng Bào Êđê nơi này…Các anh các chị cựu giáo sinh lần lượt ra ngoài leo lên đồi, nơi có bức tượng vị vua săn voi, cùng hai ngôi mộ của hai chú voi, một già nua phải từ giã buôn làng về với đất, còn một chú bị hãm hại đến chết…Mộ hai chú voi nằm song song nhau trên đỉnh đồi cũng là nơi hướng dẫn viên kết thúc hành trình giới thiệu về nét văn hóa của người Đồng bào Êđê cũng như lịch sử hình thành và phát triển Buôn Đôn….

Theo con đường đá giữa những vạt hoa cỏ dại, Nó xuống đồi, đến bên bờ dòng sông Serepôk. Mùa khô lại bị con đập phía thượng nguồn chắn lại, nên dòng sông hùng vĩ mà Nó từng biết qua sách vở và phim ảnh, nay chỉ còn trơ đáy với những khối đá vô tri lạnh lùng nằm xếp lớp….Bước lên cây cầu treo làm bằng tre Nó đi để cảm nhận được “Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi” là như thế nào…

Trời chiều nơi đây hoàng hôn xuống rất nhanh, từ chiếc loa thùng nằm khuất đâu đó vang lên tiếng của anh dẫn chương trình mời quý thầy cô và các anh chị cựu giáo sinh vào phòng dự tiệc…Sau khi ổn định chỗ ngồi là lời phát biểu của ban tổ chức cuộc hội ngộ, lời căn dặn của thầy, lời phát biểu của đại diện chính quyền địa phương, các đoàn cựu giáo sinh đến từ tám tỉnh thành nên tặng hoa cho ban tổ chức…Cả không gian như bừng reo lên giữa trời chiều Cao nguyên bởi “Nối vòng tay lớn…” và nhiều, rất nhiều bài hát được họ đồng thanh hát, âm thanh vang lên,lan xa theo gió của đại ngàn. Hai chú voi bên ngoài ngúc ngoắc cái đuôi, phe phảy đôi tai như vui chung với họ….Ồn ào, náo nhiệt như không muốn dứt, tiếng cụng ly vang lên

“ Nào cùng nâng ly…

Một cho tôi. một cho anh

Và một cho những người bạn đã qua đời..” (Bốn mươi năm gặp lại-Đào Thế Vượng).

Có nhiều tiết mục văn nghệ đan xen giữa những âm thanh rộn rã, ồn ào của phòng tiệc..Tất cả bỗng ngưng lại, gần như im lặng bởi tiếng hát của một cựu giáo sinh có mái đầu bạc ;

“Hai chú gà con đang đi chơi với nhau.

Chú che cái dù chú đội mũ trên đầu..”

Nó vốn chưa từng nghe bài hát này..Vậy mà Nó lại thấy tất cả gần hai trăm người ấy sau phút im lặng họ đồng loạt vỗ tay hát theo..

”Chú quăng cái dù

chú liệng mũ trên đầu…”

Điểm nhấn những giờ phút trên bàn tiệc ấy trong lòng nó không phải là cơm lam,cá suối, rau rừng, gà đồng bào, bắp chuối rừng, nem Bản Đôn…Hay bàn tiệc chay dành cho quý thầy và các anh chị ăn chay… Mà chính là khoảnh khắc tất cả bùng nổ tiếng vỗ tay, hát theo anh giáo sinh, với ca khúc Hai chú gà con của nhạc sĩ Lê Cao Phan..Ca khúc đã đưa họ trở lại thủa còn là giáo sinh, với những giờ sinh hoạt cộng đồng, hay tiết học hoạt động thanh niên hoặc giả những giờ lên lớp ngày đầu (mấy anh chị ngồi gần đã cho Nó biết như vậy).

Màn đêm bao phủ khắp núi rừng Tây Nguyên, các ca khúc đưa họ trở về thời thanh xuân vẫn được nối tiếp để rồi anh dẫn chương trình lại thông báo đã đến giờ Nổi Lửa…Nó nghe thấy anh ấy nói chỉ duy nhất một chiếc ghế dành cho một cựu giáo sinh tên Lưu..(Nó thầm nghĩ chắc là người đã đến đây bằng vòng quay của bánh xe lăn mà Nó thấy hồi chiều…) còn lại tất cả từ quý thầy tới các anh chị K1 tới K13 là ngồi xuống bãi cỏ…

Nó bước ra ngoài, trăng non đầu tháng đã lấp ló phía xa, ngay bãi cỏ rộng bên bờ sông Serepok lúc này đã dựng một cây Nêu, một dãy ché rượu cần và một đống củi sẵn sàng cho đêm lửa trại..Nó vẫn chưa hình dung ra đêm lửa trại là thế nào, bởi Nó chưa từng tham gia một sự kiện nào giống như vậy. Nó chỉ cảm nhận được niềm vui, niềm rạo rực, nét hân hoan trên những khuôn mặt rạng rỡ của các anh các chị xung quanh Nó.

Người dẫn chương trình mời Thầy Hoàng Song Nhy cùng tám anh chị đại diện các đoàn đến từ các tỉnh bước ra nhận cây đuốc làm bằng lồ ô…Anh trưởng ban tổ chức châm đuốc cho Thầy, Thầy trò họ truyền ngọn lửa cho nhau, khi 9 ngọn đuốc bùng cháy họ cùng nhau châm lửa.. .Ánh lửa bùng cháy giữa Cao Nguyên cũng là lúc gần hai trăm vòng tay nối kết lại thành sợi dây thân ái, họ cất cao lời ca các ca khúc, một thời họ đã hát. Nối vòng tay lớn,Lên Đàng…Những bài hát cộng đồng cứ nối tiếp nhau như không muốn dừng lại..Nhưng rồi họ cũng ngừng lại và tản ra vòng tròn quanh đống lửa ngùn ngụt cháy…Lúc này các chàng trai cô gái người Êđê Mnông góp vui các tiết mục hát, múa truyền thống của họ, Vài anh chị cũng tham gia nhảy múa, khiến không khí nóng thêm theo mỗi bước nhảy của họ…Một góc xa Nó thấy dăm người, rồi thêm nhiều người nữa, lấy ghế ngồi cạnh anh Lưu, vòng tay thân ái ấm áp sẻ chia tình Thầy Nghĩa bạn của Đại gia đình SPQN thật thân tình và ấm áp, vô cùng hiếm quý giữa xã hội phát triển hôm nay…

Một góc khác, các chị của đoàn cựu giáo sinh SPQN Sài Gòn đang lấy khăn quấn Sà Rông cho nhau chuẩn bị tiết mục văn nghệ..Nó như thấy háo hức rạo rực theo họ, tay cầm máy ảnh Nó muốn đi ghi lại những khoảnh khắc hiếm quý ấy.Tiết mục hợp ca Một Mẹ Trăm Con.Của các chị ngoài 60 k9 tới gần 80 k2 cùng Thầy ngoài 80 cầm đàn Mandolin vừa hát vừa múa với học trò, xung quanh đám lửa cháy bập bùng..Tiếng nổ tí tách của lửa than, tiếng gió ríu rít về từ rừng xa, như góp phần thổi bùng lời ca câu hát của họ vang xa hơn, lên cao hơn, hòa vào đêm đại ngàn những tâm tư nỗi lòng mỗi người đang tụ hội ở đây đêm nay:

“ Anh em ta cùng mẹ cha

như chuyện cũ trong tích xưa….

Hôm nay đây rừng gặp mây

lá gặp núi

ta tới đây

tay nắm tay

mình gặp mình…

Vui ca lên...

... anh với em, em với anh, cùng họ hàng…

Khua chiêng lên

đập cồng lên

tiếng cồng đánh qua mái tranh

qua mái tre vào rừng già…”(Phạm Duy)




Nào đâu chỉ có ca hát, cồng chiêng,hòa cùng niềm vui chung, có anh có chị đã có những niềm vui riêng rất đặc biệt, mà theo lời người dẫn chương trình thì không thể không nói câu chuyện này:

Khi gọi điện mời về tham gia họp mặt anh nhận được lời gửi gắm tìm dùm người trong mộng đã 46 năm xa…Để rồi đêm nay anh gọi chị bước ra trước ngọn lửa và hỏi chị có biết ai tìm chị không? Chị đã không đoán ra người ấy, hoặc là chị cố tình đoán sai! 46 năm đau đáu để rồi hôm nay trên mảnh đất cao nguyên đất đỏ đầy nắng gió, anh chị đã gặp lại nhau..Mỗi người đã có sự nghiệp và hạnh phúc riêng họ gặp nhau chỉ để biết về nhau đó đã là niềm vui niềm hạnh phúc ngọt ngào như anh Trần Xuân Khóa K8 đã viết “Chao ôi ! Bỗng chốc xanh rì lộc non” (Vô đề )…

Hay như anh Huỳnh Kim Thạch K11 đã viết

..”Có một Ban Mê

Ngày nào mưa buồn và bụi mù ngập lối

Ta trở về tìm mái tóc xanh xưa

Đâu đó khuất chìm

giấc mơ đời con gái

Tình thì sâu in đáy mắt đợi chờ…”

Đêm đã về khuya, sương bắt đầu rơi… đó đây đã có lời phản ánh sao tôi chưa được hát, sao chưa tới tôi đọc thơ…Niềm vui còn nối tiếp trong mỗi cá nhân có mặt đêm nay… Nhưng lửa đã dần tàn, các ché rượu cũng dần vơi, Các chị uống trước, các anh uống sau theo đúng phong tục của đồng bào Êđê…

Lửa tắt, rượu cạn, tâm tư có lẽ chưa thể vơi trong mỗi người nhưng “cuộc vui nào rồi cũng đến lúc phải dừng lại”. Chia tay ánh lửa bập bùng, chia tay Bản Đôn, chia tay dòng sông Serepok, với những cây cầu treo níu giữ đôi bờ…Tạm dừng cuộc vui họ lên xe..Nhưng có lẽ trong mỗi người đều có chung một ý nghĩ như anh Phạm Hảo, cựu giáo sinh K12 cũng là người dẫn chương trình đêm nay đã viết:

“…Bản Đôn một tối vui say

Một ngày ngất ngưởng hồn quay về trường

Quy Nhơn tình mãi còn vương

Đồng môn quý quá nên thương cả đời

Chiều tàn tâm sự nào vơi…(Phạm Hảo)

Là người “Ngoại đạo” Nó may mắn được chứng kiến những giây phút xúc động, những vòng tay ghì xiết của trò ngồi xe lăn rơi nước mắt ôm chặt người thầy đã mấy chục năm xa cách..Những sự nhận diện muộn màng dẫu ngồi cùng bàn tiệc hôm nay, xưa ở cùng phòng nội trú vậy mà rất lâu sau mới nhận ra nhau. Chẳng phải họ vô tình, mà bởi thời gian đã quá lâu, gần nửa thế kỷ trôi đi, với bao biến cố, cùng những thăng trầm trong cuộc sống, đã kịp biến một thiếu nữ đôi mươi thành bà ngoại, bà nội ở tuổi 70…Nó được chứng kiến những khuôn mặt rạng rỡ, say sưa hát múa, bất kể chân đau, tay nhức, hình như tuổi già của họ đã không còn hiện diện...Nó thật sự xúc động để giờ đây Nó ngồi ghi lại những điều Nó nghe, Nó Thấy, và Nó cảm nhận được về Đêm lửa trại Bản Đôn…

Nó cảm ơn người đã đưa Nó đến đây, cảm ơn ban tổ chức, cảm ơn mảnh đất cao nguyên hùng vĩ cùng những người dân thân thiện, dễ mến, đã cho nó có những niềm vui riêng, cùng niềm vui chung, của các thầy và các anh các chị cựu giáo sinh SPQN.

Ngọn lửa đêm nay sẽ còn cháy mãi trong tâm khảm Nó…

Ban Mê Thuột 23/11/2014

Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét