Thứ Ba, 2 tháng 8, 2016
Huỳnh Xuân Sơn Cảm Nhận Bài Thơ Bình Long Sương Trắng ! Của Tác Giả Chung Thị Hạnh
Chiến tranh đã lùi xa gần bốn mươi năm. Tiếng súng, bom, đạn đã ngừng ầm ì trên đất Bình Long, một thời là trận địa An lộc ác liệt nhất chiến trường miền nam. Bao nhiêu câu thơ, lời hát ra đời từ mảnh đất này. Phần lớn trong số đó viết về chiến tranh hoặc ít nhiều liên quan đến chiến tranh.
Hôm nay tôi muốn cảm nhận một bài thơ viết về Bình Long , nhưng không phải Bình Long ,An lộc liên quan đến chiến tranh. Mà là một Bình Long Sương Trắng .
Bình Long Sương Trắng
Mùa đông đã về chưa hỡi em?
Trên thân em đó có mây chìm,
Miền quê anh đến trời đủ lạnh
Khói thuốc đủ vàng môi mỗi đêm.
Mỗi sáng nắng vàng treo sương giăng
Đường anh đi đó giữa dương trần
Chỉ nghe tiếng gót giầy âm vọng
Bụi đỏ lạnh lùng ôm kín thân
Em còn nói yêu với mùa đông
Với sương chỉ đủ má môi hồng
Anh còn lên lớp từng đêm một
Dưới ánh đèn dầu soi đêm đông.
Thà cứ vậy đi cứ vắng xa
Mỗi mùa đông tới mùa đông qua
Anh đếm tang bồng trên mái tóc
Em ngồi so lại phím cung ngà.
Anh có mùa đông ở xứ này
Trên đỉnh yên bình bấm đốt tay
Bụi đường đã phủ bao nhiêu lớp
Mà cứ như sương gió dạn dày
Anh cho em đó cả mùa đông
Để vạn ngày sau má vẫn hồng
Để vạn đời sau anh vẫn nhớ
Mùa đông sương trắng đất Bình Long! (Chung Thị Hạnh)
Bài thơ được tác giả trau chuốt câu từ, xây dựng ý trên nền tảng thơ mới! viết về một mối tình nhà giáo, những ngày đầu sau khi im tiếng súng. Thầy cô giáo trẻ dạy học và tham gia công tác “xóa mù” ở những vùng sâu vùng xa thuộc Bình Long Bình Phước ngày nay.
Mở đầu bài thơ tác giả- một cô giáo già hôm nay, nhưng ngày đó trẻ- đã viết:
Mùa đông đã về chưa hỡi em?
Trên thân em đó có mây chìm,
Miền quê anh đến trời đủ lạnh
Khói thuốc đủ vàng môi mỗi đêm.
Vậy là Anh của chị đã nói với chị về một “mùa đông” ở xứ chỉ có hai mùa mưa và nắng. Không thấy “mây chìm” trên miền quê hoang vu anh đến, là mây hồng, mây tím hoặc giả là mây xám giăng “trên thân em”? chỉ thấy nỗi buồn nơi anh “mỗi đêm”. Cũng có thể là cả ngày đêm anh thả hồn theo “khói thuốc”? để mà “đủ vàng môi” . có lẽ là anh đã hút rất nhiều, đồng nghĩa với việc buồn rất nhiều!
Câu anh hỏi “mùa đông về chưa?” Chưa thấy em trả lời, chỉ thấy một mùa đông cô quạnh nơi heo hút đã về trong lòng anh rồi thầy giáo trẻ ạ!
Nỗi buồn từ đâu tới! và mùa đông ở đâu trên đất Bình Long này? Ta phải cùng tác giả đến khổ tiếp theo của bài thơ thôi!
Mỗi sáng nắng vàng treo sương giăng
Đường anh đi đó giữa dương trần
Chỉ nghe tiếng gót giầy âm vọng
Bụi đỏ lạnh lùng ôm kín thân
Nếu ai đã từng một lần đến đất Bình Long dù là hôm nay! Và ban đêm đi một mình qua những cánh rừng cao su bạt ngàn. Bạn sẽ thấy khổ thơ này, tác giả miêu tả kỳ công, về những bước chân độc hành trong đêm nó như thế nào? Bạn hình dung nhé:
Sáng ra bình minh réo gọi nắng vàng thức dậy tràn ngập, phá tan đi những giọt sương đêm còn sót lại. Đúng ra là một khung cảnh rất nên thơ cho bước chân “anh đi” . Mà là đi giữa cuộc sống của mình nơi trần thế này. Chứ không hề là trong giấc mộng đâu nha! Vậy mà ở đây chỉ có “tiếng gót giầy” âm u vang vọng theo tiếng gió trong rừng! chẳng hề có tiếng chim ca, hay bất kỳ âm thanh vui tai nào!
Tiếng bước chân dội ngược va đập vào nhau não nề ấy, chưa đủ để diễn tả vẻ hoang vu lạnh lẽo. tác giả còn dội thêm một thùng nước lạnh, vào tảng băng tuyết cô đơn, đang trôi giữa sông đời trồi sụt. Đó chính là hình ảnh: “bụi đỏ” mà những hạt bụi đỏ này lại làm một việc là “ôm kín thân”. Ôm kín thân ai anh? hay em? Tác giả không cho biết chỉ biết nó cứ “lạnh lùng” ôm thôi!
Tác giả đưa ta vào khổ thơ tiếp với bao nhiêu nỗi niềm như thế mang theo!
Em còn nói yêu với mùa đông
Với sương chỉ đủ má môi hồng
Anh còn lên lớp từng đêm một
Dưới ánh đèn dầu soi đêm đông.
Sức mạnh của tình yêu đôi lứa, hay sức mạnh của tình yêu nghề, yêu trẻ đã khiến hai người bám trụ lại nơi này. Nơi mà chỉ mới thấy cảnh “gót giầy âm vọng” vang xa vào những cánh rừng, dội ngược lại đập vào đôi tai người bước đã đủ ngán ngẩm rồi? điều này có lẽ chỉ có người trong cuộc mới hiểu thôi!
Còn trong bài thơ này khi ấy, em vẫn mơ mộng thả hồn mình theo sương gió heo hút mà nói “yêu với mùa đông”. Tình yêu ấy chị chỉ mong sao cho nó “đủ má môi hồng”. để cho anh mỗi đêm “còn lên lớp”. Dạy học xóa mù thì học trò ban ngày còn phải lo kiếm sống lên tối mới có thời gian đi học. Thời bao cấp khó khăn ấy, ở đâu ra điện chỉ có mỗi “đèn dầu soi” .
Tình yêu hai người gắn bó ở đất Bình Long hoang vu ngày ấy đi tới đâu? Và vì sao cô quạnh, hoang vu đến vậy mà chị vẫn nói “yêu mùa đông” vì có “sương”. Phải chăng chị đang an ủi động viên anh, và an ủi động viên cho cả chính mình nữa ?
Thà cứ vậy đi cứ vắng xa
Mỗi mùa đông tới mùa đông qua
Anh đếm tang bồng trên mái tóc
Em ngồi so lại phím cung ngà.
Anh có mùa đông ở xứ này
Trên đỉnh yên bình bấm đốt tay
Bụi đường đã phủ bao nhiêu lớp
Mà cứ như sương gió dạn dày
Khó khăn khi hòa nhập mảnh đất Bình Long rồi cũng trôi qua, theo sự đổi thay chung của xã hội. Anh và chị đã có những ngày gian khổ ấy nhưng rồi đã đến lúc “anh đếm tang bồng trên mái tóc” để cho chị “so phím lại cung đàn”. Chẳng hiểu anh đong đếm làm sao và chị so lại thế nào để cho “anh có mùa đông” mà chị yêu ấy! nhẩm qua tính lại. Cũng chẳng đếm nổi đã qua rồi bao nhiêu lớp bụi đỏ, một thời lạnh lùng phủ kín thân kia. Chỉ cảm nhận được mình đã “sương gió dạn dày”.
Và rồi khổ thơ kết cũng tới sau tất cả những thăng trầm mà dòng đời gieo rắc. Họ đã nói với nhau rằng
Anh cho em đó cả mùa đông
Để vạn ngày sau má vẫn hồng
Để vạn đời sau anh vẫn nhớ
Mùa đông sương trắng đất Bình Long!
Cuối cùng thì điều mà cả hai luôn canh cánh trong lòng, không phải là khung cảnh lạnh lẽo, hoang vu, nơi những con đường qua những cánh rừng, mà khi bước chân của họ tạo ra những âm thanh não nề, chị gọi là “gót giầy âm vọng”. Cũng chẳng phải màu đất đỏ dẻo quánh khi mưa và bụi mịt mù khi nắng .
Mà lại là hình ảnh những giọt sương đêm. Mong manh, yếu đuối , dễ tan biến, nhưng đẹp và đáng yêu vô cùng. Sương giăng làm cho mùa đông về, làm cho má chị hồng.Thật lãng mạn để mà ghi nhớ.
Anh đã tặng hết cho chị. Để cuộc đời chị sẽ có “vạn ngày sau má hồng”. Anh nói anh nhớ,mà là nhớ và mang theo tới “vạn đời sau”. nhưng có lẽ người nhớ nhiều hơn và lưu giữ “Mùa Đông Sương Trắng Bình Long” là chị chứ không phải là anh.
Sài gòn 22/12/2013
Huỳnh Xuân Sơn
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét