Thứ Hai, 1 tháng 8, 2016
Huỳnh Xuân Sơn Với Cảm Nhận Bài Thơ Những Vết Sẹo Của nhà thơ Bùi Thị Sơn
Khi nói đến Những Vết Sẹo, thông thường ta biết nó được hình thành từ nỗi đau. Vết trầy xước nhỏ trên da, nỗi đau sẽ ít và mau lành, để lại vết sẹo mờ, mau phai. Vết thương nặng khi liền để lại sẹo lớn và có khi là di chứng cả phần đời còn lại. Vết sẹo đớn đau nhất, vết sẹo khó liền nhất, đó là vết sẹo trong tâm hồn…Những Vết Sẹo ấy không nhìn thấy được bằng mắt, chỉ có thể cảm nhận bằng tâm hồn, bằng trái tim người đối diện.
Tâm hồn rộng mở với trái tim nhạy cảm dạt dào tình thơ của nhà thơ Bùi Thị Sơn, đã ngân lên những cảm xúc rất đặc biệt, khi chị cảm nhận được và chị “yêu những vết sẹo ấy..” Những vết sẹo lớn nhỏ, dầy, lõm và cả những vết sẹo trong sâu kín tâm hồn, trong đáy mắt người thương binh … Cũng chính là nhà thơ Phạm Thôn Nhân người chị đề tặng bài thơ
Những Vết Sẹo
(Kính tặng blogger- thương binh Phạm Thôn Nhân )
Có vết sẹo sần sùi dày cộm lên theo tháng năm dòng chảy
Vơi cho đời bao mất mát chiến tranh
Có vết sẹo hun hút khoét thịt da ngày đêm bỏng cháy
Lấp đầy mắt bé thơ sắc trời biếc trong lành
Có vết sẹo âm ỉ chỉ riêng anh nhìn thấy
Anh lẳng lặng giấu đi như kho báu riêng mình
Em yêu vết sẹo ấy trong anh
Thản nhiên, anh mỉm cười, đứng dậy
Soi mắt anh, em thấy nước non mình
Mang hình chữ S và hai quần đảo Hoàng sa- Trường Sa muôn đời bất diệt!
Em yêu vết sẹo ấy trong anh! (Bùi Thị Sơn)
Tổ quốc Việt Nam trải qua bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước, bao nhiêu thế hệ nối tiếp nhau ra trận chống giặc ngoại xâm. Từ thuở người Chinh Phu trong truyền thuyết Hòn Vọng Phu đã “theo lệnh Vua hành quân trống kêu dồn. Quan với quân lên đường…”…Cho đến những năm “trường kỳ kháng chiến”. Nhà thơ Phùng Khắc Bắc khi lên đường ra trận đã cảm nhận trong ánh mắt người cha đưa tiễn : “Bố tôi nhìn tôi bằng cái nhìn vuốt mắt”.
Người Chinh Phụ tiễn chồng đi và bồng con đến hóa đá vẫn chỉ“nghe như vó ngựa đâu trở về…”. Nhà thơ Phùng khắc Bắc là một trong số những người mà “hòn đạn mũi tên” tránh được người! Kết thúc chiến tranh may mắn trở về, dẫu khi đi cha ông đã “nhìn cái nhìn vuốt mắt”. Bao nhiêu người được may mắn nguyên vẹn trở về như ông ? chiến tranh đã cướp đi nhiều triệu người con nước Việt..Đã lấy đi một phần xương máu của biết bao triệu người nữa.
Tháng bảy về chỉ có một ngày tri ân. Thế hệ cháu con hôm nay phần đông nhớ “kẻ trồng cây” vào tháng bảy và có khi chỉ nhớ một ngày 27. Mười một tháng còn lại , cũng có thể với ba trăm sáu tư ngày còn lại kia bao nhiêu người còn nhắc nhớ tới những người lính trực tiếp cầm súng, trực tiếp hy sinh và trực tiếp gửi lại một phần máu xương nơi chiến trường. Hay họ cũng lại bị guồng máy xã hội phát triển cuốn vào trôi theo để rồi năm sau lại nhắc nhớ…
Tháng bảy năm 2014 nhà thơ Bùi Thị Sơn viết tặng nhà thơ, nhà khoa học, họa sĩ Phạm Thôn Nhân,người đã mang trên mình biết bao vết sẹo khi may mắn còn sống trở về. Những gì chị gửi gắm vào câu chữ có lẽ nhiều hơn tựa đề Những Vết Sẹo.
Mở cánh cửa để bước vào thế giới nội tâm mà chị gọi là Những Vết Sẹo. Ta bắt gặp ngay dấu tích của nỗi đau để lại. Những “vết sẹo” này nhìn thấy ngay được bởi nó “sần sùi dày cộm lên” dẫu bao nhiêu “tháng năm”. Hình ảnh của “ vết sẹo sần sùi dày cộm lên theo tháng năm dòng chảy” rõ ràng chẳng hề đẹp chút nào. Nhưng lại có một sức mạnh ghê ghớm hay có thể nói Vết sẹo đã làm được việc làm phi thường “vơi cho đời bao mất mát chiến tranh” . Chiến tranh mang đến bao nhiêu mất mát cho người lính cả hai bên tham chiến, cho người thân của họ, cho cả những người dân vô tội không may vướng hòn tên mũi đạn đi lạc.Tính riêng thời hiện đại mà cụ thể là ngay trong thế kỷ hai mươi thôi. Một Điện Biên anh hùng… Một Thành Cổ Quảng Trị… Một Đại Lộ Kinh Hoàng… Một Thảm Sát Mỹ Sơn…Một Lộ Máu Số 7… Một Bình Long An Lộc…Một tết Mậu Thân…Một Hải chiến hoàng Sa… Một Gạc Ma…Một chiến tranh biên giới Tây Nam… Một chiến tranh biên giới phía bắc…Còn biết bao nhiêu chữ Một gắn liền những địa danh như thế nữa… Bao nhiêu địa danh là bấy nhiêu vết sẹo “sần sùi dày cộm lên…” Còn thêm những “vết sẹo hun hút khoét thịt da ngày đêm bỏng cháy” trên thân thể Mẹ Việt Nam. Không giấy mực nào tả hết, không có sử gia nào ghi hết, ghi đúng được…
Những vết sẹo trên thân thể người lính may mắn trở về có thể đã liền da, có thể những vết loét không bao giờ liền, và những vết thương lòng không có phép màu nào chữa khỏi…Làm sao chữa khỏi với những cảnh “Đỏ trên cây là máu bạn bè tôi”. Và : trên dải đất mang hình tia chớp./ Bao nghĩa trang là bấy vết sẹo lồi./ Những vết sẹo chìm trong tim người lính??? (trích thơ -Hải Minh)… Những phép đối ngẫu được tác giả khéo léo đưa vào khổ thơ này làm sức nặng của tình thơ, chở tình người trĩu xuống, oằn theo những câu thơ như khắc khoải, như gập ghềnh… “Vết sẹo sần sùi dày lên” cũng chính là vế đối rất nhân văn khi vế bên kia là “Vơi đi bao mất mát..” Rồi “vết sẹo hun hút khoét thịt da..” lại là vế đối đắt giá cho “lấp đầy mắt bé thơ sắc trời biếc trong lành”. Những vết sẹo này ta có thể nhìn thấy, cầm nắm và cảm nhận ngay được. Cùng với những điều tốt đẹp mang lại từ chính những vết sẹo ấy.
Tôi ơi! Bạn đọc ơi! hãy mở lòng ra, nhắm mắt lại, lắng nghe lời con tim, để cùng với nhà thơ Bùi Thị Sơn cảm nhận Những Vết Sẹo vẫn còn tiếp… Theo nhà thơ thì “em yêu vết sẹo ấy trong anh”. Vết sẹo bên ngoài dễ nhìn thấy và cũng dễ chữa. Nhưng với người lính từng tham gia chiến đấu thì lại mang trong mình thêm những “vết sẹo âm ỉ..” Hai từ “âm ỉ” khiến có cảm giác như nỗi đau đã liền sẹo đó vẫn đang Âm ỉ, gặm nhấm, đục khoét vết thương sâu rộng thêm ra, chứ chưa hề liền sẹo. Với câu thơ “có vết sẹo âm ỉ chỉ riêng anh nhìn thấy”. Có lẽ tác giả muốn nói đến vết thương lòng, vết thương trong tâm hồn chứ không phải vết sẹo này hình thành từ nỗi đau thể xác… Nhưng cớ vì sao mà theo sau lại là “Anh lẳng lặng giấu đi như kho báu riêng mình”. Thật khó lý giải cho một mệnh đề được tác giả đưa ra “Vết sẹo âm ỉ” …Rồi đóng sập ngay lại vì Anh muốn giữ làm “kho báu riêng mình. Nỗi đau nào rồi cũng nguôi ngoai, nếu như nhận được sự chia sẻ từ người thân bạn bè. “Anh lẳng lặng giấu đi như kho báu riêng mình” thì có lẽ đây là nỗi đau không thể chữa lành, và có lẽ cũng không thể san sẻ được…Bản thân người Lính khi ra trận đã không màng chuyện sống chết. Nay nỗi đau không thể lành lại, không thể sẻ chia thì đâu nỡ để them dù chỉ một người phải đau lòng khi biết..
Không chỉ nhà thơ Bùi Thị Sơn, Nhà thơ Phạm Thôn Nhân, những người lính mới cảm nhận được điều đó. Ta hãy xem những người bạn, người đồng đội và bạn đọc đã đang chia sẻ:
Đơn cử như tác giả Duy Sinh với:
“Vết sẹo lưu tích chiến tranh
Đau thương anh chịu.. ngọt dành nước non”
Hay như chính thơ của người được tặng viết:
“Những mảnh xương vụn nát
Cùng đất và cát
Lẫn lộn vào nhau…
…Nhắm mắt tay đưa nước mắt tuôn tràn
Cố ôm ấp một bóng hình đồng đội…(Hoa xương rồng trên cát- Phạm Thôn Nhân).
Với một vết sẹo như vậy, bây giờ có lẽ ít nhiều đã lý giải được vì sao nhà thơ Bùi Thị Sơn lại “yêu vết sẹo ấy..”. Có lẽ bởi chị yêu phẩm chất đạo đức và ý chí của người lính mang trong mình “vết sẹo âm ỉ” đau thương, mất mát không thể chia sẻ, chẳng thể xóa nhòa nên “Anh lẳng lặng giấu đi…”.
Bài thơ vẫn còn tiếp nối với hình ảnh một nụ cười trong mênh mông sóng nước…biển Đông đang cuộn nhồi những cơn sóng tạo ra từ lòng đất Mẹ Việt Nam.. Dẫu đã quá nhiều vết sẹo trên thân thể Mẹ đất nước…Xưa những chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa….Nay nhữngvết cắt “Hải chiến Hoàng Sa…”được “bồi thêm” vết cắt trên đảo Gạc Ma…Lại vừa có thêm một HD981 cắm mũi khoan vào lòng Mẹ…Nhưng tất cả những vết cắt ấy chưa thể làm đau gần như tất cả chín mươi triệu người dân Việt Nam…Với góc nhìn của riêng tôi thì có một vết sẹo của Mẹ Việt Nam mang trên mình đã bốn mươi năm…Vết thương sâu hun hút khoét vào thân thể mẹ bằng sinh mạng của 75 người con…để lại Vết Sẹo Hoàng Sa. Vết cắt Gạc Ma khoét thêm 64 người nữa…thêm một vết sẹo Gạc Ma…Những vết sẹo ấy có lẽ cũng chính là vết sẹo mà nhà thơ Bùi Thị Sơn nói “em yêu…” khi nhìn thấy trong đáy mắt người Thương binh cả “nước non mình…”
Với một trái tim quả cảm của người lính từng xông pha lửa đạn và đãgửi một phần thân thể lại chiến trường, thì hình ảnh : “Thản nhiên, anh mỉm cười, đứng dậy” sau những nỗi đau thân thể, nỗi đau tâm hồn . Đã đủ chứng minh tình yêu bao la với quê hương tổ quốc …Phải chăng Anh đứng dậy bởi có một vết sẹo khác nữa. mà tất cả các vết sẹo kia.. có lẽ chưa đau, chưa nhức nhối, chưa khoét sâu vào vết thương âm ỉ bằng nỗi đau hôm nay khi nghe quân thù gây hấn ngoài biển Đông…Nay đâm chìm tàu cá, mai phun vòi rồng uy hiếp…Ngang nhiên chiếm đóng cả quần đảo Hoàng Sa bốn mươi năm qua. Nay chúng tuyên bố chủ quyền một cách trắng trợn Lưỡi bò chúng thò ra muốn liếm trọn Biển Đông…Với tâm tư và cảm nhận như thế, ta sẽ thấy những câu thơ kết như lời khẳng định chủ quyền Việt Nam. Như tiếng lòng của chín chục triệu người dân Việt Nam đã được tác giả viết:thay lời
Soi mắt anh, em thấy nước non mình
Mang hình chữ S và hai quần đảo Hoàng sa- Trường Sa muôn đời bất diệt!
“Em yêu vết sẹo ấy trong anh!” Nào đâu chỉ riêng mình chị yêu mà tôi và có lẽ rất nhiều bạn đọc khác nữa cùng đã đang và sẽ yêu, tri ân, và nhắc nhớ “những vết sẹo” do chiến tranh để lại trên thân thể những người lính.. Chiến tranh cũng đã để lại “Những Vết Sẹo”là: những nghĩa trang hiện hữu và nghĩa trang vô hình…như một Nhật Lệ “Cả dòng sông là một nghĩa trang trôi”.Những dòng sông, ngọn núi, những tên đất, tên làng, tên đảo và quần đảo của thân thể Mẹ Việt Nam đã liền sẹo và chưa liền sẹo…
Một người thương binh nặng, một nhà khoa học, một hoa sĩ và cũng là nhà thơ đã được tặng thi phẩm Những Vết Sẹo…Trái tim ông có lẽ đã rung lên những nhịp đập dập dồn để rồi lòng yêu nước, tình thương nhân loại, Tình đồng đội, tình thi hữu và hơn hết cả là lòng nhân hậu, tấ cả đã hoà vào câu chữ được ông gửi gắm qua bài thơ Hội Nhập Sẹo…Tôi xin mượn lời ông để kết cho bài viết này.
HỘI NHẬP SẸO
Vết sẹo ơi! Sao mi chai lên thế!
Những bàn tay đầy sẹo bạn mi đây.
Cũng một thủa. Hình như, linh cảm thấy,
Sự dịu dàng đau đớn chốn bàn tay…
Thôi đừng nhé, nhắc chi về quá khứ.
Thịt da kia cũng thịt da này!
Bom đạn đã xa về dĩ vãng.
Những bàn tay tiếp sức những bàn tay.(Phạm Thôn Nhân)
Sài Gòn 15/7/2014
Huỳnh Xuân Sơn
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét