Thứ Tư, 3 tháng 8, 2016
Huỳnh Xuân Sơn Cảm Nhận Bài Thơ Đàn Ông ! Của Tác Giả Đăng An
Ngày còn nhỏ trong tâm hồn một cô bé con, thì đàn ông bao gồm cả bố tôi, thầy tôi và những người lớn xung quanh. Với tôi khi ở nhà họ là những người bảo vệ, đến trường thì họ là thần tượng là ông vua và là người bao bọc học trò….
Lớn lên nữa tới lúc trái tim biết rung rinh nhịp đập khác lạ, tôi trong tâm hồn thiếu nữ lại thấy các chàng trai luôn luôn là cây tùng cây bách, và là các chàng hiệp sĩ bảo vệ đám con gái chúng tôi.
Khi lập gia đình thì một thiếu phụ như tôi. Lại coi đàn ông là chỗ dựa tinh thần, là điểm tựa vững chắc cho mình và các con. Là một bờ vai cho tôi khi cần có thể dựa bất cứ lúc nào….
Nói chung là lúc nào phụ nữ chúng tôi cũng coi đàn ông là “phái mạnh”. Đàn ông với chúng tôi còn có thể là những người khô như ngói.
Đôi khi họ còn là người quên đi sự lãng mạn, mà khi yêu thì sự ga lăng và lãng mạn như không có bờ bến đậu. (tuy nhiên vẫn có những người cá biệt không như vậy. Nhưng chỉ là một phần nhỏ trong số đàn ông Việt Nam)
Cho tới lúc này khi đọc bài thơ Đàn Ông của tác giả Đăng An tôi bỗng thấy có lẽ mình cần phải suy nghĩ lại chăng. Tôi nghĩ vậy và tôi muốn viết về Đàn Ông.
Đàn ông!
Đâu phải là gỗ đá
Cũng buồn vui đau khổ yêu thương
Cũng khát khao ham muốn đời thường
Cháy bỏng cuồng điên gấp ngàn lần họ tưởng
Đàn ông!
Là kẻ đa tình
Kẻ đa tình không biết đường nói dối
Vấp bao lần nhưng lần nào cũng vội
Cuồng vọng si mê và loạn nhịp rung rinh
Đàn ông!
Người vô cùng yếu đuối
Mong tựa vào em âu yếm vỗ về
Đòi một vòng tay ôm ấp đam mê
Đón nhận nồng nàn những nụ hôn nóng bỏng
của tình yêu dào dạt đắm say
Đàn ông!
Hoa hồng và nước mắt
Luôn lặn giấu vào trong
Chỉ con tim bồi hồi trong nhịp đập bao dung
Mới hiểu được đàn ông họ là như thế! (26/12/2013- Đăng An)
Bài thơ được tác giả viết theo thể tự do phóng khoáng, với những câu thơ gần gụi đơn giản .Không dùng nhiều thủ pháp ẩn dụ làm cho bài thơ dễ hiểu dễ cảm nhận.
Tác giả vốn là một nhà giáo, là người đàn ông đã leo lên đỉnh dốc của cuộc đời. Nên anh mô tả người đàn ông ở góc nhìn từ trái tim anh nhìn ra bên ngoài. Hay nói cách khác là anh diễn tả nỗi lòng của Đàn Ông từ trong nội tâm của họ. Khiến tôi rất tò mò muốn khám phá.
Đàn ông!
Đâu phải là gỗ đá
Cũng buồn vui đau khổ yêu thương
Cũng khát khao ham muốn đời thường
Cháy bỏng cuồng điên gấp ngàn lần họ tưởng
Chưa cần biết ai nói gì? Ai nghĩ gì? Tác giả chặn đầu ngay rằng “đàn ông” (với một sự khẳng định chắc nịch là) “đâu phải là gỗ đá”. Chẳng để ai kịp thanh minh là có ai nói các anh là gỗ đá gì đâu? Anh tự nhận đấy thôi!
Tác giả đưa ra một loạt những điều để chứng minh.Đàn ông “cũng” nào là “buồn vui đau khổ yêu thương” . Nào là “khát khao ham muốn đời thường”…Có vẻ cũng chưa an tâm lắm với những dẫn chứng trên. Anh bồi tiếp “cháy bỏng điên cuồng” mà đi theo sau là “ngàn lần họ tưởng”. Ai tưởng gì đâu? mà anh nói bâng quơ như vậy nhỉ!
Anh sợ đàn ông các anh không có đam mê “cháy bỏng”, nên anh mới nói quá lên tới “ngàn lần”vậy. Chứ phụ nữ chúng tôi chưa bao giờ nói đàn ông các anh không có “cháy bỏng cuồng điên” khi yêu cả. Có chăng là khi đàn ông các anh có vợ rồi. Chắc sẽ có nhiều người gán tất cả những điều anh nói ở trên cho đàn ông đấy.
Thật khó để tranh luận ai đúng? Ai sai? ở khổ thơ đầu bởi anh không nói rõ “đàn ông” ấy ở giai đoạn nào? Có gia đình hay còn độc thân. Ta tạm gác chuyện tranh luận ở đây để vào khổ thơ kế tiếp.
Đàn ông!
Là kẻ đa tình
Kẻ đa tình không biết đường nói dối
Vấp bao lần nhưng lần nào cũng vội
Cuồng vọng si mê và loạn nhịp rung rinh
Thật ngạc nhiên sau khi anh đưa ra quan điểm rất đẹp về đàn ông . Thì ở khổ thơ này anh lại quay ngoắt ra nhận “là kẻ đa tình”. Anh ơi! Anh có biết rằng phụ nữ chúng tôi ghét nhất là đàn ông đa tình trăng hoa hay không?
Anh biết hay không. Có lẽ phải chờ câu trả lời của chính anh! Còn bây giờ ta xem xem anh nhận đàn ông đa tình vì đâu đã:Thứ nhất anh nói “đa tình không biết đường nói dối” thật tội nghiệp đàn ông. vì không biết đường nói dối, thì luôn luôn phải nói thật, chứ biết làm sao được!
Chưa hết “vấp bao lần” vẫn chưa biết rút kinh nghiệm, để cho “lần nào cũng vội” . Chữ “vấp” anh dùng chỉ những cuộc “đa tình” không thành, khiến tội “đa tình” nhẹ bẫng đi. Có lẽ vì các anh cứ nghĩ thật thà khai là hết tội hay sao ấy. Nên anh lấy lý do “Cuồng vọng si mê và loạn nhịp rung rinh” để biện minh cho thói “đa tình”.
Và chữ” Vấp” này khiến tôi nghĩ đến bước chân các anh mải nhìn đâu đó mà vấp gì đấy. Phải chăng còn một ẩn ý khác sâu hơn. Nhưng vẫn phảng phất ở khổ thơ này. Đó là anh muốn nói đàn ông các anh dù có gia đình hay chưa thì vẫn cứ “loạn nhịp rung rinh” khi gặp một bóng hồng xinh đẹp đi ngang liếc mắt đưa tình.
Tới đây tôi nhớ tới hai câu thơ của tác giả Nguyễn Tuấn Anh đăng trên Lộc Phát Qúy tỵ rằng: “Sao em lại hóa Thị Mầu./ Để anh ấp úng nói câu…dối lòng”.trong hoàn cảnh hai người gặp nhau khi “trầu đã thẫm khi cau đã vàng” mới chết chứ…
Nếu mà đúng như vậy, thì chưa hẳn đàn ông “đa tình”, đã là ‘trăng hoa” .Bởi vì các anh cũng chỉ mới “loạn nhịp rung rinh” vì “cuồng vọng si mê” thôi mà.
Tác giả đưa ta vào khổ thơ tiếp;
Đàn ông!
Người vô cùng yếu đuối
Mong tựa vào em âu yếm vỗ về
Đòi một vòng tay ôm ấp đam mê
Đón nhận nồng nàn những nụ hôn nóng bỏng
của tình yêu dào dạt đắm say
Ồ! Bây giờ thì lời thơ, mang tình thơ mềm mại,mượt mà để diễn tả người đàn ông mà tôi và có lẽ rất nhiều người phụ nữ khác nữa, chưa bao giờ nghĩ tới. Chúng tôi luôn nghĩ đàn ông các anh là cây tùng cây bách, là bờ vai mạnh mẽ cho chúng tôi dựa vô mà tha hồ thổn thức chứ.
Thật bất ngờ khi anh nói đàn ông là “vô cùng yếu đuối” chưa hết còn “mong tựa vào em” . Bấy nhiêu đã đủ khác người rồi anh ạ. Còn “âu yếm vỗ về” hãy để giành cho phụ nữ chúng tôi muốn anh nhé. Chưa hết các anh còn đòi “một vòng tay ôm ấp đam mê” rồi còn muốn được “đón nhận nồng nàn những nụ hôn nóng bỏng” .
Tham lam quá anh ạ! Các anh càng muốn mong và đón nhận như vậy càng khiến chúng tôi tưởng các anh yếu đuối lắm đấy nhé! Nhất là khi đã có một “tình yêu dào dạt đắm say” mà vẫn tham thế .
Sau tất cả những điều anh viết về đàn ông bây giờ anh đưa ta vào khổ kết:
Đàn ông!
Hoa hồng và nước mắt
Luôn lặn giấu vào trong
Chỉ con tim bồi hồi trong nhịp đập bao dung
Mới hiểu được đàn ông họ là như thế!
Anh đưa ra một khổ kết làm mủi lòng người phụ nữ ít nhất là có tôi trong số ấy!
Hoa hồng vốn là biểu tượng của tình yêu vậy mà anh nói họ “giấu vào trong”. Vậy thì ai biết các anh yêu cỡ nào mà đáp trả tình yêu được.
Nước mắt thể hiện cho niềm vui, nỗi buồn của cuộc sống vậy mà cũng “giấu vào trong”. Ngộ nhỡ khi các anh đang buồn, mà người phụ nữ bên cạnh cần an ủi thì sao đây? Chỉ một câu hỏi ấy tôi muốn hỏi anh thôi!
Bởi anh đã nhắn nhủ rằng chỉ những trái tim “bồi hồi trong nhịp đập bao dung”. Chắc là của cả Đàn ông và phụ nữ lẫn nam thanh, nữ tú . “Mới hiểu được đàn ông họ như thế”.
Qua đây anh muốn gửi một thông điệp tới Phụ Nữ chúng tôi. Đàn ông cũng có khi rất mềm yếu, Họ có tình yêu sậu nặng nhưng ít khi thể hiện ra ngoài cho mọi người thấy,Quan trọng họ cũng cần lắm sự quan tâm chia sẻ của Phụ nữ, cũng như của bạn bè...
Cùng anh đi qua hết bốn khổ thơ chỉ với sự tò mò. Tôi chắc chắn sẽ không đồng cảm với tác giả được nhiều! Bởi theo anh để cảm nhận được hết về “Đàn Ông” thì cần phải có “con tim bồi hồi” mà tôi thì mới chỉ có “nhịp đập bao dung” khi nhìn về các anh là “kẻ đa tình” mà thôi. Ngoài ra thì nhịp đập tim tôi rất bình thường, mong anh và bạn đọc thông cảm mà bỏ qua cho nếu có gì thiếu sót.
Sài Gòn 26/12/2013
Huỳnh Xuân Sơn
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Người làm thơ cũng khá hay
Trả lờiXóaNgười bình lại cũng là tay rất già
Cháu rất bất ngờ và vui khi gặp chú ở đây cùng lời khen chú ạ!
Trả lờiXóaCháu chúc chú luôn vui khoẻ nhé!