Thứ Hai, 1 tháng 8, 2016
Huỳnh Xuân Sơn Với Cảm Nhận Tác Phẩm Lý Thái Tổ Đêm Trước Dời Đô của nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm.
Cầm trên tay tập thơ Sương Hồ Tây Mây Tháp Bút của nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm. Với 45 bài thơ viết về Thăng Long Hà Nội. Tôi đọc từng câu, từng bài nhưng tới bài thứ 5 Lý Thái Tổ Đêm Trước Dời Đô ,tôi phải dừng lại.
Một nghìn năm Chiếu Dời Đô ra đời, một nghìn năm thăng Long Hà Nội như mới vừa đây thôi, mặc dù giờ đây đã qua mốc 1003 năm rồi. Dấu ấn lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam, Và niềm tự hào ấy đã trào dâng trong tâm hồn thơ của nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm khiến ông Phóng tác tác phẩm Lý Thái Tổ Đêm Trước Dời Đô.
Còn tôi sau khi đọc tác phẩm này cũng muốn đi tìm xem qua ngòi bút của Nguyễn Vũ Tiềm đêm ấy Lý Thái Tổ đã nghĩ gì
Đêm cuối cùng thức với Hoa Lư
Trăng mười bốn cài nghiêng sườn bái đính
Đã bao lần vầng tri kỷ của ta ơi
Cùng tròn khuyết trên bàn cờ thế cuộc!
Mở đầu bài thơ tác giả cho biết đêm cuối cùng ở lại Kinh Đô Hoa Lư ấy Lý thái Tổ đã Thức cùng với Trăng và vầng trăng này mới đang lên thôi bởi “Cài nghiêng sườn Bái Đính”.
Cũng khổ thơ này tác giả cho thấy vầng trăng cũng chính là “tri kỷ” của vua. Những lúc suy tư về thần dân về những trăn trở của người làm vua một nước, bộn bề lo toan Lý Thái Tổ cũng lại cùng Trăng, dẫu khi ấy là “trăng mười bốn” như hôm nay và có khi chỉ là trăng khuyết
Điều này cũng cho biết vua lý Thái Tổ của chúng ta đã rất nhiều đêm thức như đêm nay. Bài thơ được tiếp tục:
Tiếng tù và như vọng tự Phong Châu
Hay đỉnh núi vút lên hồn Âu Lạc
Có nơi đâu cuộc mở nước nhọc nhằn
Phải vượt cạn một lần trăm trứng nở
Đêm nay Ngài thức và hồi tưởng ngược dòng lịch sử thăng trầm của dân tộc. Từ truyền thuyết của Lạc Long Quân với âu cơ sinh ra các vị Vua Hùng đầu tiên thời lập nước. Nay từ Hoa Lư mà Lý Thái Tổ nghe như hồn dân tộc vọng về từ đền thờ các vua Hùng Tận Phong Châu, tiếng gió trên núi kia cũng như hồn dân tộc vọng vang tới từ đền thờ mẹ Âu Cơ.
Ngược dòng Lịch sử dựng nước Lý Thái Tổ nhớ công ơn cha Lạc Long Quân và Mẹ Âu Cơ cùng các vị vua Hùng. người đã hỏi có nơi đâu mà “Cuộc mở nước nhọc nhằn trăm trứng nở”. Khi mở nước rồi thì ngoại bang xâm chiếm, cuộc chiến chống giặc ngoại xâm Lịch sử giữ nước gian nan cũng có một không hai, ngay cả em bé ba tuổi cũng đánh giặc:
Có nơi nào vận nước nguy nan
Rời tay mẹ bế bồng, ba tuổi nhổ tre đánh giặc
Cờ lau thoắt thành cờ nghĩa cứu lương dân!
Sóng hưng phế thăng trầm vỗ vào lịch sử
Sao lúc này cứ cuộn xoáy lòng ta!
Em bé ba tuổi ấy chính là Phù Đổng Thiên Vương mà dân gian vẫn gọi ngài là Thánh Gióng, đã cưỡi ngựa sắt nhổ tre đánh giặc giữ yên bờ cõi.
Và gần với Lý Thái Tổ có Đinh Bộ Lĩnh tuổi thơ đã dùng cờ trận bằng bông cỏ lau chơi trận giả, lớn lên ông dựng cờ khởi nghĩa dựng nước và mở kinh đô tại Hoa Lư nơi Lý Thái Tổ đang thức đêm cuối cùng trước khi giã từ để dời đô.
Ngược dòng lịch sử với thăng tầm “Hưng Phế” của cả dân tộc “ Sao lúc nàycứ cuộn xoáy lòng ta” .
Đêm trước khi rời đô làm sao mà Lý Thái Tổ không nghĩ tới mảnh đất nơi kinh thành Hoa Lư này được Tác giả viết:
Ta nhớ Sào Khê luyện quân thủy chiến
Nhớ núi Trường Yên xẻ đá xây thành
Các Tiên Đế sớm khuya cực nhọc
Dựng móng nền trên mảnh đất hoang vu
Trước khi Đinh Tiên Hoàng dựng cờ khởi nghĩa thì mảnh đất kinh thành Hoa Lư chỉ là “mảnh đất hoang vu”. Chính Đinh Tiên Hoàng đã lệnh lấy đá trên núi Trường Yên xây thành Hoa Lư. Để rồi có thành Hoa Lư như hôm nay nơi Lý Thái Tổ lên ngôi.
Lý Thái Tổ cũng làm sao quên được con sông Sào Khê một dòng sông bao đời là nơi luyện binh cho quân lính thủy. nỗi trăn trở của Lý Thái Tổ còn tiếp diễn khi tác giả viết:
Nền tự chủ buổi bình minh trứng nước
Cái đói như cận thần luôn túc trực bên vua
Áo Thiên Tử rồng chầu đôi miếng vá
Cây lúa trần mình trấn bắc ngăn nam
Chỉ còn rau má rau sam dựng xây xã tắc
Con bống con tôm gom góp lập vương triều
Bây giờ đây là nỗi lo trước mắt, khi tiếp quản vương triều, cả dân tộc lâm vào cảnh nghèo túng, bởi giặc cả phương nam phương bắc xâm chiếm. Tiền của dốc vào giữ nước, giữ được nước rồi thì nạn đói ào đến được tác giả ví “nạn đói như cận thần túc trực bên vua” nghèo đến mức mà “áo thiên tử Rồng chầu” còn phải có “đôi miếng vá”.
Hôm qua ta túng thiếu từ cây bút ngọn đèn hạt gạo củ khoai
Hôm nay ta túng thiếu những chân trời
Túng thiếu những anh tài kinh bang tế thế
Túng thiếu hiền nhân giúp dân đỡ khổ
Túng thiếu một vùng danh thắng định đô
Ngoài nỗi lo thiếu đói bởi “chỉ còn rau má rau sam” và “con bống con tôm” để mà “dựng xây xã tắc” và “gom góp lập vương triều” Lý Thái Tổ còn trăn trở nỗi lo lớn hơn rất nhiều liên quan đến sự an nguy của dân chúng và sự tồn vong của dân tộc và vương triều còn đang kỳ trứng nước mà đã phải “Hôm qua túng thiếu từ cây bút, ngọn đèn , củ khoai” đó là những vật dụng đơn sơ nhất mà một ông vua phải có, và để no bụng bằng” củ khoai” thôi mà vẫn thiếu.
Nay thiếu những hiền tài, thiếu tầm nhìn xa của những bậc “hiền nhân” và “thiếu một vùng danh thắng định đô” bởi ông biết nếu ở lại Hoa Lư địa thế núi non hiểm trở giao thông không thuận tiện đất nước không thể phát huy lên được.
Lý Thái Tổ cùng với trăng thao thức trăn trở và khi nghe trống điểm canh ông mới trở về thực tại là đêm nay hết là ông sẽ dời đô:
Trống điểm mấy canh rồi sao gà trưa báo sáng?
Hỡi rạng đông!
Hãy phất lên dải lụa điều mừng vận hội
Thời khắc vui sao nước mắt khôn cầm
Kìa các ngả đường đã bập bùng nổi lửa
Làng bản bến thuyền cờ trống tiễn đưa
Những thần dân nhường vua từ đõ ong hạt bắp
Giúp vua từ kế sách an sinh
Cả con vạc con nông sẻ chia niềm khuya khoắt
Giờ biệt ly đã đến kia rồi
Vậy Là đã qua một đêm trắng của vị vua ra Chiếu Dời Đô. Ông đã thấy ánh bình minh rực sáng, dẫu túng thiếu nhưng ông có được lòng dân ủng hộ. Họ sẵn sàng nhường vua từ “đõ ong, hạt bắp” và ủng hộ ông dời đô, Bằng chứng là khắp “các ngả đường đã bập bùng nổi lửa”khắp các “làng bản, bến thuyền cờ trống tiễn đưa”. Từng thần dân của ông nghèo nhưng sẵn sàng cùng ông giúp ông “từ kế sách an sinh”. Không chỉ thần dân không mà ngay cả khi đêm khuya ông thao thức những “con vạc con nông” đi ăn đêm cũng như muốn “sẻ chia” với ông “niềm khuya khoắt”. Điều đó cho thấy ông được tất thảy ủng hộ giúp sức. qua hết rồi, đêm lùi đi, nhường chỗ cho ánh “rạng đông” “phất dải lụa điều” để mở đường cho bình minh reo vang chào đón ngày mới ,ngày dời đô,” giờ biệt ly đã đến kia rồi”. Kinh đô mới đã cất tiếng gọi đón chào:
Ôi Đại La Đại La!
Thế rồng cuộn hổ ngồi ai đã gọi tên
Hội tụ mạch nguồn nguyên khí
Nét hào hoa phảng phất khắp kinh kỳ
Có trường kiếm Sông Hồng giúp ta bình thiên hạ
Ngai đế vương có Tam Đảo , Ba Vì.
Khi quyết định rời đô Lý Thái Tổ đã viết Chiếu Dời Đô và trong đó có ghi Đại La là vùng đất mà theo phong thủy nó là nơi “Rồng chầu hổ phục” hay là thế “rồng cuộn hổ ngồi”. Rồng ở đây là dòng Sông Hồng uốn khúc cùng một hệ thống sông nhánh chằng chịt như sông tô lịch, sông kim ngưu và ngày dời đô ấy Đại La còn có Sông Thiên Phù và vô số hồ nước. hổ ngồi như tác giả đã nhắc ở trên sau lưng thành đại la còn có dãy núi Tam Đảo và Ba Vì án ngữ. Thành Đại La “đã hội đủ các dòng nguyên khí từ trên trời xuống, từ bên ngoài vào , từ các dòng sông chuyển tới, nên có thể gọi đây là một vùng đất địa linh có vượng khí tồn tại muôn đời”
Một bài thơ viết theo thể tự do với một nhịp thơ lúc thâm trầm lúc hào hùng ngạo nghễ được nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm Phóng Tác nhằm khắc họa nội tâm Vua Lý Thái Tổ với những trăn trở trắng một đêm trước khi dời kinh đô từ Hoa Lư Ninh Bình về Thành Đại La tức Thăng Long Hà Nội ngày nay.
Cám ơn nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm với Thi phẩm Lý Thái Tổ Đêm Trước Dời Đô đã cho tôi có cơ hội ngược dòng lịch sử cách đây hơn một nghìn năm. Có thể với tuổi đời và vốn sống vốn hiểu biết của mình còn hạn hẹp. Tôi chưa cảm nhận đúng những tâm tư tình cảm cùng với trăn trở của Vị Vua mà tác giả muốn gửi gắm. Mong tác giả và bạn đọc hãy coi đây là tình cảm là góc nhìn một chiều phiến diện của cá nhân tôi dành cho một bài thơ mà tôi yêu thích.
Và đây là bài thơ ấy;
Lý Thái Tổ Đêm Trước Dời Đô
Đêm cuối cùng thức với Hoa Lư
Trăng mười bốn cài nghiêng sườn bái đính
Đã bao lần vầng tri kỷ của ta ơi
Cùng tròn khuyết trên bàn cờ thế cuộc!
Tiếng tù và như vọng tự Phong Châu
Hay đỉnh núi vút lên hồn Âu Lạc
Có nơi đâu cuộc mở nước nhọc nhằn
Phải vượt cạn một lần trăm trứng nở
:
Có nơi nào vận nước nguy nan
Rời tay mẹ bế bồng, ba tuổi nhổ tre đánh giặc
Cờ lau thoắt thành cờ nghĩa cứu lương dân!
Sóng hưng phế thăng trầm vỗ vào lịch sử
Sao lúc này cứ cuộn xoáy lòng ta!
Ta nhớ Sào Khê luyện quân thủy chiến
Nhớ núi Trường Yên xẻ đá xây thành
Các Tiên Đế sớm khuya cực nhọc
Dựng móng nền trên mảnh đất hoang vu
Nền tự chủ buổi bình minh trứng nước
Cái đói như cận thần luôn túc trực bên vua
Áo Thiên Tử rồng chầu đôi miếng vá
Cây lúa trần mình trấn bắc ngăn nam
Chỉ còn rau má rau sam dựng xây xã tắc
Con bống con tôm gom góp lập vương triều
Hôm qua ta túng thiếu từ cây bút ngọn đèn hạt gạo củ khoai
Hôm nay ta túng thiếu những chân trời
Túng thiếu những anh tài kinh bang tế thế
Túng thiếu hiền nhân giúp dân đỡ khổ
Túng thiếu một vùng danh thắng định đô
Trống điểm mấy canh rồi sao gà trưa báo sáng?
Hỡi rạng đông!
Hãy phất lên dải lụa điều mừng vận hội
Thời khắc vui sao nước mắt khôn cầm
Kìa các ngả đường đã bập bùng nổi lửa
Làng bản bến thuyền cờ trống tiễn đưa
Những thần dân nhường vua từ đõ ong hạt bắp
Giúp vua từ kế sách an sinh
Cả con vạc con nông sẻ chia niềm khuya khoắt
Giờ biệt ly đã đến kia rồi
Ôi Đại La Đại La!
Thế rồng cuộn hổ ngồi ai đã gọi tên
Hội tụ mạch nguồn nguyên khí
Nét hào hoa phảng phất khắp kinh kỳ
Có trường kiếm Sông Hồng giúp ta bình thiên hạ
Ngai đế vương có Tam Đảo , Ba Vì.-(Nguyễn Vũ Tiềm)
Sài Gòn 13/11/2013
Huỳnh Xuân Sơn
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét