Thứ Hai, 1 tháng 8, 2016

Huỳnh Xuân Sơn Với Cảm Nhận Bài Thơ Lời Hẹn Tháng Giêng Của Tác Giả Như Mai



Đang lang thang trên mạng thì điện thoại reo, nhấc máy lên một người bạn đã lâu không gặp, hôm nay có dịp về dự hội Yên Thế, cô ấy mới ghé nhà em tôi xin được điện thoại để liên lạc. Sau một hồi hỏi thăm nhau nào là chuyện xưa rồi chuyện nay…Cuối cùng cũng phải tạm biệt. Có một điều tôi không biết rằng vô tình hay cố ý cô ấy đã gợi lại một góc khuất tôi đã cất kỹ rất lâu qua lời hẹn : Nhớ Hội Lim sang năm về nhé! Quê tôi ở hội Đề Thám cơ mà...

Bần thần ngược dòng hồi ức,men theo kỷ niệm về với tuổi đôi mươi…Về với những mộng mơ, những bâng khuâng hẹn hò của mối tình đầu cũng xuất phát từ Hội Lim…Có lẽ cho tới lúc này tôi mới cảm nhận rằng thi sĩ Hồ Dzếnh đã đúng khi ông nêu quan điểm: “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở…”. Người ấy nay đã mãi mãi đi xa, Hội Lim vẫn còn đó mỗi năm một lần, ôi! May mà có một lần thôi, chứ nếu nhiều lần thì chắc trái tim tôi không còn sức cho những lần đập thình thịch theo tiếng trống hội giục dã vọng lại từ cách xa 2000 km.

Dòng hồi ức dần lắng lại, tôi quay vào mạng bất ngờ nó lại có dịp bùng lên như đám lửa cháy rừng được tiếp thêm cơn gió mạnh . Cơn gió ấy chính là bài thơ:

Lời Hẹn Tháng Giêng

Giêng xưa...
Sóng sánh mắt cười
Đượm câu hò hẹn, thắm lời giao duyên
Gặp nhau ngồi tựa mạn thuyền
Anh trao em cả một miền dân ca!


Sông Cầu ngóng đợi phương xa
Nghe câu quan họ thiết tha... tìm về!
Chẳng màng khăn đóng áo the,
Mớ ba, mớ bảy...
Chỉ nghe giục lòng!
***
Thế rồi xưa cũ rêu phong
Ân tình thuở ấy... trăng non hao gầy
Nhìn bàn tay
Nhớ bàn tay...
Vời vợi xa, gió heo may trắng trời!





Cau thanh người vội trao người
Để câu ước nguyện thâm vôi bẽ bàng
Cỏn con một chút duyên ngàn
Niềm tin níu giữ úa vàng trầu cay!

***

Giêng nay…

Mưa bụi bay bay
Ngỡ như sương khói giăng đầy mắt nhau
Ngẩn ngơ sau ánh dao cau
Mượn câu thơ... Gửi nông sâu nỗi niềm (Như Mai)


Bài thơ được tác giả Như Mai viết từ cảm xúc của một người chị. Tôi và tác giả chưa một lần gặp mặt, chưa một lần trò chuyện. Sao cả một bài thơ từng câu từng ý cứ như là chị viết cho tôi với nỗi niềm ngay lúc này vậy. Với thắc mắc này tôi quyết định bước vào đồng hành cùng với bài thơ của chị. Mở đầu bài thơ chị viết:



Giêng xưa...
Sóng sánh mắt cười
Đượm câu hò hẹn, thắm lời giao duyên
Gặp nhau ngồi tựa mạn thuyền
Anh trao em cả một miền dân ca!

Có lẽ nào chị đã hiểu thấu tâm can tôi lúc này rồi ư! Từng lời thơ từng câu thơ như những lời thì thầm ngày nào bên nhau của tôi và người ấy. Hội đông quá nào tôi có kịp nghe anh nói gì đâu! Chỉ có ánh mắt nồng nàn chứa đựng những điều muốn nói, mà anh chẳng cần nói tôi cũng hiểu rồi.

Vâng tác giả đã viết về ngày xưa. “Cái thủa ban đầu lưu luyến ấy” đọng lại và mang theo trong chị là ánh mắt biết nói của hai người “sóng sánh mắt cười”. Hai từ “mắt cười” nói nên sự đồng điệu trong tâm hồn của hai người đang yêu, chỉ cần nhìn ánh mắt nhau là đã hiểu người kia muốn nói gì, mà không cần phải nói. Nếu chị viết môi cười , thì tứ thơ không đẹp đến nao lòng như vậy được, dẫu từ “câu hò hẹn” đến “lời giao duyên” đều xuất phát từ đôi môi khi cất tiếng.

Tay trong tay xiết chặt, như sợ buông ra là lạc mất , chen lấn một hồi cũng ra đến chỗ thuyền quan họ hát đối giao duyên giữa các liền anh liền chị ! Từng làn điệu quan họ vang lên, nào là “ “chàng buông vạt áo em ra…”. Rồi “còn duyên kẻ đón người đưa…” “ Bèo dạt mây trôi…”. Nhiều lắm những làn điệu quan họ cải biên do các liền anh liền chị đối đáp. Nhưng có một làn điệu quan họ cổ mà cho đến tận bây giờ, chưa bao giờ tôi quên một chữ đó là:

Hôm nay canh hát nơi đây./ Đêm đêm thao thức canh tà./ Người loan tôi phượng chung tình./ Yêu nhau để nhớ cho nhau./ Xuân này gặp mặt nghĩa dày đôi ta. / Nhớ người Quan Họ vào ra một mình./ Trai thanh gái lịch nhớ hình bóng nhau./ Mến tài trọng nghĩa trước sau một lời (Canh Hát Đêm nay- Quan Họ Cổ)

Tôi không quên, tôi nhớ từng lời bởi vì khi ấy sắp đến làn giao duyên giã bạn. Anh không muốn cùng nghe lời ca giã bạn lên dắt tôi lên đỉnh đồi Lim và tự anh hát cho tôi nghe làn điệu quan họ cổ này. Đúng như tác giả Như Mai đã viết : “Anh trao em cả một miền dân ca”. Vâng Anh đã trao, Em đã nhận và mang theo nó tới bây giờ đấy tác giả ạ!

Sau hôm đó, tâm trạng tôi không khác chút nào so với khổ thơ tiếp của tác giả Như Mai:

Sông Cầu ngóng đợi phương xa
Nghe câu quan họ thiết tha... tìm về!
Chẳng màng khăn đóng áo the,
Mớ ba, mớ bảy...
Chỉ nghe giục lòng!

Khổ thơ này chỉ duy nhất có địa danh Sông Cầu là khác so với hồi ức của tôi! Người ấy công tác ở Bắc Giang bên bờ Sông Thương. Còn tôi lại đang học ở Hà Nội nơi có con Sông Hồng ,Cách nhau một con Sông Cầu. Nỗi nhớ niềm thương khởi nguồn từ những lời yêu của làn điệu Quan họ trao nhau …bằng những lá thư.

Một năm trôi qua .Tháng giêng lại về , Hội Lim lại réo gọi hai chúng tôi. Tác giả viết như thấu tâm can chúng tôi vậy “ Chỉ nghe giục lòng…” vâng chỉ có tình yêu giục giã chứ nào ai còn màng chi “khăn đóng áo the”. Hay lùng thùng trong tấm áo “mớ ba, mớ bẩy…” ( Thường thì các liền chị chỉ mặc áo mớ ba, tức ba lớp áo tứ thân, bên ngoài yếm). Chúng tôi đã có thêm một mùa trảy hội tháng giêng cùng những làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh nữa…..

Và rồi :


Thế rồi xưa cũ rêu phong
Ân tình thuở ấy... trăng non hao gầy
Nhìn bàn tay
Nhớ bàn tay...
Vời vợi xa, gió heo may trắng trời!

Vâng giờ đây tác giả cũng như tôi khi bước vào tuổi “heo may” của đời người. bao nhiêu những lo toan trong cuộc sống hàng ngày vây lấy. Kỷ niệm xưa đã xưa, đã cũ nhưng vẫn còn nguyên chứ chưa hề mất, một lớp rêu phong phủ lên rồi ư? Có hề chi chỉ cần “nhìn bàn tay” là lập tức “nhớ bàn tay…” với tôi là cái xiết tay chặt như sợ lạc mất năm ấy. Với tác giả có thể là cái bắt tay tạm biệt, Bàn tay vuốt sợi tóc mai nhẹ nhàng.., hay cũng có thể là một vòng tay xiết chặt….

Nhưng giờ đây tất cả đã “vời vợi xa..” bởi:

Cau thanh người vội trao người
Để câu ước nguyện thâm vôi bẽ bàng
Cỏn con một chút duyên ngàn
Niềm tin níu giữ úa vàng trầu cay!

Làn điệu mời trầu như âm vang bên chị, bên tôi với khổ thơ này. Cau, trầu, vôi, vỏ làm nên hương vị nồng cay của miếng Trầu. Nếu chỉ thiếu một vị thì miếng trầu không thắm…Ở đây tác giả viết “Cau thanh người vội trao người” chỉ một miếng cau thôi, nhưng không có nó thì “vôi thâm” và “Trầu úa”. Với chị vì sao mà cau trầu biểu tượng cho tình yêu và hạnh phúc lại phải xa nhau ? tôi xin để ngỏ câu hỏi này cho riêng chị khi nào gặp!

Còn tôi chẳng phải “cau thanh người vội trao người” mà có lẽ do “anh gặp em vào một đêm trăng khuyết. Để bây giờ thầm tiếc một vầng trăng không tròn.”

Người ấy đã mang theo tình yêu của tôi ! Mang theo lời ca Quan Họ ngọt ngào năm nào, cùng bao lời hẹn ước đắm say, Mang theo lời hẹn “mỗi năm đến ngày Hội Lim dù ở đâu cũng tìm về, nếu không về được cũng giành một khoảng thời gian cùng nhau nhớ ”…Đến một nơi xa lắm….

Hồi ức về Mối tình đầu của tôi. Lời Hẹn Tháng Giêng của tác giả Như Mai đã đến hồi kết và cả hai chúng tôi đều có chung một nỗi niềm, và cùng nhìn về một hướng nhưng với hai tâm trạng khác nhau:


Giêng nay…
Mưa bụi bay bay
Ngỡ như sương khói giăng đầy mắt nhau
Ngẩn ngơ sau ánh dao cau
Mượn câu thơ... Gửi nông sâu nỗi niềm!

Tác giả thấy “mưa bụi bay bay” để mà phải “ngẩn ngơ” sau ánh mắt “dao cau” rồi thấy “ngỡ như sương khói giăng đầy mắt nhau” và chị phải “mượn câu thơ” để “gửi nông sâu nỗi niềm”.

Còn tôi “giêng nay…” nhìn nắng vàng rực rỡ ngoài song. Nghe trống hội giục nơi xa xôi, chỉ còn kịp thấy “sương khói giăng đầy …” trước mắt thôi ! và đành mượn bài thơ của tác giả để “gửi nông sâu nỗi niềm”

Bài thơ Lời Hẹn Tháng Giêng với lời tựa “viết từ cảm xúc của tác giả Thanh Bình” rõ ràng chẳng hề có một câu, một ý nào giành cho tôi cả! Nhưng tôi đã thấy gần như trọn vẹn, từng câu chữ chị viết giành tặng cho nỗi lòng mình…Đó phải chăng là một thành công của tác giả khi chị đã hòa được nỗi niềm riêng vào nỗi niềm chung của rất nhiều bạn đọc mà tôi là một trong số đó…


Cám ơn tác giả Như Mai với bài thơ của mình đã cho tôi có những phút giây sống lại với những kỷ niệm đã xa.

Sài Gòn /2/2014

Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét