Thứ Ba, 2 tháng 8, 2016
Huỳnh Xuân Sơn Cảm Nhận Bài Thơ Sân Ga Chiều Em Đi Của Tác Giả Lê Thị Bạch Huệ
Sân Ga bất kể thời nào, bao giờ và với bất cứ ai từng đến đó,nó luôn là nơi ghi dấu ấn những cuộc tiễn đưa, trùng phùng… Một nụ hôn, một ánh mắt trao nhau giờ ly biệt và có thể chỉ là một cái nắm tay vội vã…Cũng làm cho người ra đi lưu luyến, người ở lại thẫn thờ ngơ ngác. Để rồi một ngày những tâm tư tình cảm ấy, tưởng đã ngủ quên đâu đó trong miền hồi ức đã xa, bỗng bật dậy xáo trộn tâm tư người trong cuộc.
Với tác giả Lê Thị Bạch Huệ hẳn chị có kỷ niệm sâu đậm với sân ga nào đó trên dặm dài cuộc đời chị đã qua…Nhớ, quên, và rồi khi xúc cảm thơ ca ùa về cùng câu chữ thăng hoa chị đã viết ra
Sân Ga Chiều Em Đi
Sân ga buồn chiều bóng em nhạt nắng
Hoàng hôn về chầm chậm bước theo chân
Vệt nắng nào buông nỗi nhớ âm thầm
Phút tiễn biệt còi tàu lên tiếng báo
Sót lại gì sau mỗi lần huyên náo
Tàu đi rồi ai đứng đó bơ vơ
Bàn tay nào khẽ vẫy tựa giấc mơ
Chấm đen nhỏ xa dần trên đường sắt
Ngày mai đếm bao lần còi mãi thúc
Nghe con tim thổn thức nhớ thương nhiều
Trên đường về chân cứ bước liêu xiêu
Mong em mãi bao giờ em trở lại
Em đã đi lòng lặng sầu tê tái
Tôi một mình lạc lõng nhớ thiết tha
Rồi thời gian cứ lặng lẽ trôi qua
Sân ga ấy….bây giờ thành kỷ niệm !(Lê Thị Bạch Huệ)
Một bài thơ tự do với chủ đề không mới( Sân Ga –Đưa tiễn - nhớ- kỷ niệm ). Nhưng tác giả đang ở tuổi xế chiều đã biết tận dụng sự từng trải, sự đồng cảm và quan trọng là biết khai thác yếu tố tình cảm chung của người đi, kẻ tiễn lồng vô kỷ niệm của riêng mình…Khiến cho tôi và có lẽ rất nhiều bạn đọc khác nữa tìm thấy mình trong đó..
Sân ga chẳng thể tỏ bày như nỗi lòng người đi kẻ ở lúc đưa tiễn. Sân ga chỉ có thể lưu dấu chân người đi ngập ngừng, người ở níu chặt và rồi đất trời cảm động theo nỗi" buồn chiều bóng em nhạt nắng”
“Hoàng hôn về chầm chậm" chậm bao nhiêu để tìm chút gì "Sót lại... sau mỗi lần...Tàu đi rồi"...
sân Ga- con tầu- ta và em- dòng đời và đường ray...Bến đỗ nào sau tiếng còi thúc giục chia tay. Sân ga nào không có giọt nước mắt vẽ nên bức tranh lưu lại những lần tiễn biệt?
Còi cứ thúc,nắng tắt dần, dáng ai nhạt nhoà trong làn nước mắt, để nặng lòng người đi...sân ga còn đó, đường ray còn đó, con tàu ở đâu?
Với suy tư như vậy, tôi thầm lặng ngược dòng đời mình để bước vào với Sân Ga Chiều Em Đi:
Sân ga buồn chiều bóng em nhạt nắng
Hoàng hôn về chầm chậm bước theo chân
Vệt nắng nào buông nỗi nhớ âm thầm
Phút tiễn biệt còi tàu lên tiếng báo
Chị đã viết “Sân ga buồn”. Nhưng có lẽ chị đã buồn nhiều hơn nó trong khổ thơ này khi viết “bóng em nhạt nắng”? Vâng, nắng đã nhạt… trời đã đổ về chiều, dẫu là “chầm chậm” thì nó cũng đã đang và sẽ “bước theo chân” rồi. Buổi hoàng hôn xưa đưa tiễn người đi.. đọng lại nơi sâu thẳm nỗi lòng của “phút tiễn biệt” chỉ còn tiếng âm vang của “còi tàu lên tiếng báo”… Hôm nay tóc đã phai màu xưa cũ…Bất giác “vệt nắng” ngày nào buông trong “chiều đưa tiễn” đã gợi nên “nỗi nhớ âm thầm” cùng tiếng còi tàu lảnh lót vọng tới từ ngoài kia có thể chưa hẳn là từ sân ga, mà chỉ là tiếng còi báo hiệu sắp về tới ga cuối….nơi ngày xưa bắt đầu ,
Một khô thơ chỉ bốn câu. Nhưng chất chứa bao nhiêu hoài niệm, cùng những ẩn ý, mà không biết vô tình hay cố ý, chị đã để Nắng làm chủ đạo của nỗi niềm chất chứa trong lòng người thiếu phụ, đang ở trong buổi hoàng hôn của đời. Nắng cuối chiều đã nhạt, nắng của buổi hoàng hôn càng phai nhạt hơn bởi nó bắt buộc phải đổi màu để bước vào khoảnh khắc giao thoa giữa ngày và đêm…
Nỗi niềm hoài niệm khi đã trỗi dậy thì tuôn trào theo mạch cảm xúc của tiếng lòng. Đến đây có lẽ chị đã bị tình cảm chi phối khi nghĩ tới:
Sót lại gì sau mỗi lần huyên náo
Tàu đi rồi ai đứng đó bơ vơ
Bàn tay nào khẽ vẫy tựa giấc mơ
Chấm đen nhỏ xa dần trên đường sắt.
Chị hẳn đã nhiều lần đứng đó chờ con tàu lăn bánh rời ga, xa dần, xa dần cho đến khi trở thành “chấm đen nhỏ”. Rồi tự hỏi lòng? hỏi sân ga? Hay chị hỏi con tàu đã khuất dấu? Tàu đi rồi mang theo người yêu dấu của chị..Bàn tay ngày ấy vẫy vẫy tiễn đưa…rồi bao đêm tỉnh dậy trong giấc mơ ngỡ mình vừa mới vẫy tay đưa tiễn đây thôi…Để hôm nay ngồi nhẩm tính xem còn “sót lại gì”! Từ những lần “huyên náo” nơi sân ga…bơ vơ quay về…và rồi:
Ngày mai đếm bao lần còi mãi thúc
Nghe con tim thổn thức nhớ thương nhiều
Trên đường về chân cứ bước liêu xiêu
Mong em mãi bao giờ em trở lại
Nhịp thơ chùng xuống, theo tiếng vọng về từ hồi ức. Đếm làm sao hết “bao lần còi mãi thúc” để mà “nghe con tim thổn thức nhớ thương nhiều”..Chân xưa bước “liêu xiêu” trên đường về…mong nhớ, dẫu vừa mới cách xa…Để hôm nay đây ôm kỷ niệm ấy ngược dòng và có lẽ vẫn còn nguyên cảm xúc năm nào:
Em đã đi lòng lặng sầu tê tái
Tôi một mình lạc lõng nhớ thiết tha
Rồi thời gian cứ lặng lẽ trôi qua
Sân ga ấy….bây giờ thành kỷ niệm !
“Em đã đi…”, đồng nghĩa tuổi thanh xuân không bao giờ trở lại. Nắng đã nhạt, chiều ngả bóng, hoàng hôn đến, đó là quy luật tất yếu của cuộc sống. Chị bần thần nhớ nên chị đã thấy “lạc lõng”… Nhưng không phải thế đâu chị ơi! chị đã nhận ra… Chị đã thấy “sân ga ấy..bây giờ thành kỷ niệm” và quan trọng là chị đã hiểu quy luật bất di bất dịch “thời gian cứ lặng lẽ trôi” dù muốn hay không muốn thì “ngày ấy” cũng đã xa…thật xa rồi!
Sân Ga Chiều Tiễn Biệt phải chăng cũng chính là dòng hồi ức của chuyến tàu đời chị… Đã đi, từng đến và phải xa. Một sân ga đáng nhớ, muốn nhớ và đã nhớ trong đời.
Sài Gòn 15/4/2014
Huỳnh Xuân Sơn
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét