Thứ Ba, 2 tháng 8, 2016

Cảm Nhận Bài Thơ Chuyện Tình Cô Giáo Lưu Quang Của Tác Giả Nguyên Hữu



Trưa nay mở trang thơ ra đập vào mắt tôi tựa đề bài thơ: Chuyện Tình Cô Giáo Lưu Quang.
Có lẽ tôi có ấn tượng với hai từ cô giáo nên vội bấm vô đọc, chứ thực tình tôi không thích lắm chủ để Thơ Tình với những câu thơ bi lụy ướt sướt mướt ,vậy mà giờ đây bài thơ của tác giả Nguyên Hữu đã níu giữ tôi lại sau khi đọc xong!

Chuyện Tình Cô Giáo Lưu Quang

Đợi anh về
Một đời vẫn đợi
Sắc xuân bung
Theo năm tháng phai tàn
Tình yêu nở
Không đâm chồi kết trái
Nhưng nở hoa
Thanh khiết đợi tìm anh...
Anh - người chiến sĩ
Đã anh dũng hi sinh
Không hài cốt...
Không...
Không tìm... thấy xác...
Tan nát trong em
Mong manh trong hi vọng
Em vẫn đợi
Vẫn đợi anh về...

Tuổi học trò
Nhòe nước mắt lá thư
Lời hứa hẹn
Anh đưa tay che miệng
Không cho em nói
Cái điều...
Sau này em nức nở...
Cây đàn cũ
Em vẫn còn gìn giữ
Đứt một dây
Em vẫn kệ để nguyên
Kệ anh chứ
Anh làm đứt... anh nối...
Khối nước òa
Lại gào thét nơi em...
Vẫn đợi đấy
Vẫn đi tìm anh đó
Em làm thơ
Em gửi gió mây trời
Anh đọc chưa
Anh đọc đi nhé
Nếu đọc rồi anh tìm về với em
Với người giáo viên
Với nhà thơ
Với người vợ hiền anh chưa hỏi cướ
Lưu Quang em
Vẫn đợi...
Anh Về... (30/11/2013- Nguyên Hữu)



Chuyện Tình Cô Giáo Lưu Quang Của tác giả trẻ Nguyên Hữu . Viết về cô giáo Chu Thị Lưu Quang cùng mối tình với một người lính đi chiến đấu tận chiến trường Camphuchia, dù đã được tin anh hy sinh, nhưng cô vẫn:

Đợi anh về
 Một đời vẫn đợi
 Sắc xuân bung
Theo năm tháng phai tàn
 Tình yêu nở
 Không đâm chồi kết trái
Nhưng nở hoa
 Thanh khiết đợi tìm anh...

Sự chờ đợi hơn ba mươi năm đằng đẵng kể từ ngày anh ra trận và chắc hẳn hành trang anh mang theo vào chiến trường là:

Rất dài và rất xa.
 là những ngày thương nhớ
nơi cháy lên ngọn lửa
 là trái tim yêu thương.…..
....
Ngôi sao như mắt anh trong những đêm không ngủ.
Giáo án em vẫn mở cho ánh sao bay vào. ( Hành Khúc Ngày Và Đêm- Phan Huỳnh Điểu).

Trong chuyện tình cô giáo Lưu Quang chỉ với tám câu thơ ngắn gọn, tác giả đã viết ra cả nỗi lòng của cô giáo. Chờ đợi hơn ba mươi năm vẫn nguyên vẹn một tình yêu, như ngày đầu, dẫu giờ đây thời “xuân sắc” của cô đã theo năm tháng mà phải “tàn phai”, nhưng tình yêu thì vẫn “nở hoa” để mà “chờ đợi anh”…

Còn đây là những câu thơ tác giả viết về Người yêu của cô giáo Lưu Quang:

Anh - người chiến sĩ
Đã anh dũng hi sinh
 Không hài cốt...
 Không...
 Không tìm... thấy xác...
 Tan nát trong em
Mong manh trong hi vọng
Em vẫn đợi
Vẫn đợi anh về...

Chiến tranh mà ! mất mát là điều không tránh khỏi nhưng sao khi đọc những dòng thơ này vẫn thấy nghẹn ngào ; ‘Hy sinh ….’ Nhưng lại ‘không tìm …thấy xác’ và điều này làm cho nỗi đau của cô nhân lên gấp bội. Mất người mình yêu, mà không còn cả “hài cốt” thì “tan nát trong em” và cả tan nát trong lòng bao nhiêu người thân của người lính trẻ nữa.

Tình yêu của cô giáo quá lớn cho nên trong nỗi đau thương mất mát tột cùng ấy cô vẫn hy vọng, dẫu là rất “mong manh”: “em vẫn đợi ….vẫn đợi anh về” hai chữ “vẫn đợi” lặp lại ta đọc sao thấy như cô đã đợi, đang đợi và vẫn mãi  đợi từ lâu lắm rồi...Có lẽ  chỉ có hy vọng lúc này là niềm tin để cô tiếp tục sống, giảng dạy và chờ đợi

Tình yêu của Cô giáo bây giờ tác giả mới nói đến:

Tuổi học trò
Nhòe nước mắt lá thư
 Lời hứa hẹn
 Anh đưa tay che miệng
 Không cho em nói
 Cái điều...
Sau này em nức nở...

Tình yêu của Cô giáo và người yêu của mình từ thuở “học trò” với những lá thư từ chiến trường gửi về. Cô đã khóc rất nhiều bởi lúc chia tay anh đã “che miệng” không cho cô nói về lời hứa trọn đời chờ đợi anh chăng?

Chính vì khi ấy cô không nói là vì chiều ý anh, nên bây giờ cô càng nghẹn ngào hơn nữa. Tình yêu này với cô là vĩnh cửu dù anh đã hy sinh. Nhưng cô vẫn sống với hy vọng tràn trề về một ngày nào đó…


Cây đàn cũ
 Em vẫn còn gìn giữ
Đứt một dây
 Em vẫn kệ để nguyên
Kệ anh chứ
Anh làm đứt... anh nối...
 Khối nước òa
Lại gào thét nơi em...

Những câu thơ là những lời tự sự của cô giáo nhưng sao nghe buốt nhói trong lòng. Một chút hờn dỗi nhưng lại là cả một chuỗi tình cảm yêu thương chan chứa hiện diện trong những câu thơ ngắt mạch rời rạc để rồi nỗi hờn tủi vỡ òa, nỗi đớn đau lại dày vò gào thét bóp nghẹt trái tim cô.
Cô nói những lời với anh như thể cô tin chắc chắn ngày mai anh sẽ về :”anh làm đứt….anh nối…” Niềm tin niềm hy vọng ấy giúp cô vượt lên tất cả để sống, để yêu để đi tìm anh!
Nhưng có lẽ nước mắt luôn là cấp số nhân với thời gian trôi lặng lẽ. Nước mắt từng giọt ngắn dài giờ đây nó là “khối nước…” và nỗi đau đớn nhớ thương cuộn trào dâng thành tiếng “gào thét”…
Cô giáo khẳng định chắc chắn "vẫn còn gìn giữ.." và  nâng niu kỷ vật của anh là cây đàn, phải chăng cô đã coi kỷ vật ấy là sự hiện hữu của anh bên cạnh mình chăng?

Vẫn đợi đấy
Vẫn đi tìm anh đó
 Em làm thơ
 Em gửi gió, mây, trời,...
Anh đọc chưa
Anh đọc đi anh nhé
Nếu đọc rồi anh tìm về với em
Với người giáo viên
Với nhà thơ
Với người vợ hiền anh chưa hỏi cưới
 Lưu Quang em
 Vẫn đợi...
Anh về...

Đọc khổ thơ cuối ta thấy nỗi niềm cô giáo cô đơn mòn mỏi trong chờ đợi , ngày xưa còn có học trò, có giáo án bài giảng để nguôi ngoai đi nỗi nhớ thương và nuôi dưỡng hy vọng. Nhưng hy vọng mỗi ngày mỗi mịt mù thêm
Cô bây giờ đã “xuân sắc tàn phai” theo nghiệt ngã của thời gian. Chỉ có duy nhất tình yêu thì vẫn vẹn nguyên như ngày nào! Cô bây giờ tìm anh, chờ anh, cả hy vọng gặp anh nữa tất cả  đều gửi gắm vào thơ và mong ở đâu đó biết đâu anh đọc được. Và khi ấy anh  sẽ biết ở quê nhà vẫn có em , “người vợ hiền chưa cưới hỏi” chờ đợi anh về.

Viết đến đây tôi nhớ tới một đoạn trong bài thơ Đợi Anh Về. Cũng viết về sự chờ đợi của người vợ chờ chồng, Trong hy vọng và chờ đợi

Bởi vì em ước vọng
Bởi vì em trông ngóng
Tan giặc bước đường quê
Anh của em lại về….
….Nào bao giờ ai biết
Có gì đâu em ơi
Chỉ vì không ai người
Biết chờ đợi như em.(Konstantin Simonov- Tố Hữu dịch)

Tác giả Nguyên Hữu đã kể cho chúng ta nghe về một mảng màu xám đen của bức tranh Chiến Tranh thông qua Chuyện Tình Của Cô Giáo Lưu Quang. Người con gái ấy đã Yêu, chờ đợi người yêu đi chiến đấu và đã hy sinh nơi chiến trường... Suốt những năm tháng tuổi thanh xuân cho đến ngày về hưu! Giấy báo tử đã có nhưng “không hài cốt”  và cũng“không tìm thấy xác”.Nên cô vẫn chờ đợi với một niềm tin dẫu “mong manh” rằng “anh sẽ về”. Cô đã chờ đợi, luôn  hy vọng suốt những năm dài đã qua.
Vâng Cô Giáo mong, tác giả mong, tôi mong và tin chắc bạn cũng mong ngày mai có thể ngày mốt, hoặc một ngày gần anh sẽ về.

Chiến tranh đã lùi xa hơn ba mươi năm xong những hậu quả mà nó để lại là những nỗi đau không thể thốt bằng lời thì còn dai dẳng và còn rất nhiều. Như cô giáo Lưu Quang với nỗi đau mòn mỏi cả cuộc đời cho tới hôm nay,cũng chính là hậu quả của cuộc chiến mà ra.

Sài Gòn 1/11/2013

Huỳnh Xuân sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét