Thứ Hai, 1 tháng 8, 2016

Huỳnh Xuân Sơn cảm nhận bài thơ Lời Cho Em của tác giả Phạm Văn



Bạn có con gái sắp lập gia đình, đi mời bạn dự đám cưới mà cứ lo lắng con về phải làm dâu vì chàng rể chỉ còn mỗi mẹ già. Bạn nói giá mà không phải làm dâu như mình. Bạn nói thời nay tân tiến rồi cũng không lo lắm, nói ngược nói xuôi bạn lại trở về nguyên vẹn nỗi lo của người mẹ có con gái đi làm dâu…

Chị sắp cưới vợ cho con trai lại có suy nghĩ rất thoáng, mình chỉ có mình nó. Cha nó không còn mình dành hết tình cảm cho con. Nay nó cưới vợ mình chia sẻ bớt cho con dâu. Dâu là con gái các cụ nói rồi, mình thương nó, nó thương lại mình, mà con trai lại không phải khó xử…hai bà mẹ cứ ngồi thao thao mỗi người có một suy nghĩ riêng và bảo vệ suy nghĩ của mình tới cùng.

Còn bạn, bạn nghĩ sao? Riêng tôi lại muốn chia sẻ với hai bà mẹ một là chị một là bạn bằng cách đọc cho họ nghe bài thơ Lời Cho Em của tác giả Phạm Văn

Lời Cho Em

Tôi em còn mỗi Mẹ già
Tôi con ruột phận em là con dâu
Thì em toan liệu nông sâu
Mẹ già đâu khó bằng câu ân tình
Mẹ đâu tự khó một mình
Chẳng là giữ nếp gia đình mình xưa
Mẹ già nhớ nắng quên mưa
Em còn để bụng tôi chưa trọn người
Mẹ giờ như áng mây trời
Em còn đứng đó lựa lời phân minh
Chỉ sợ hết chỗ trọng khinh
Và không còn chuyện để mình oan ưng
Tôi em vốn đã người dưng
Tôi em vốn đã chung lưng phận người
Tôi nợ em cả cuộc đời
Và nợ luôn cả một thời làm dâu ( Phạm Văn)

Lời Cho Em là tình cảm, là tiếng lòng của người làm con, làm chồng đã qua tuổi Tri Thiên Mệnh. Lời Cho Em nhưng không chỉ cho riêng em, mà còn cho rất nhiều những bà mẹ, những cô con dâu đọc để hiểu nỗi lòng của người đàn ông mình yêu thương!

Bài thơ Lục Bát với những câu từ đơn giản, ý thơ nhẹ nhàng, tình thơ nặng trĩu. Tác giả Phạm Văn muốn nói với Em về Phận đời, về đối nhân xử thế, về chữ hiếu chữ nghĩa ở đời.

Không dưng mà tác giả lại nhắc lại:

Tôi em vốn đã người dưng
Tôi em vốn đã chung lưng phận người
Em và Tôi có lẽ đã có cả một thời gian đủ dài “chung lưng” gánh vác những khó khăn của cuộc sống kể từ buổi không còn là “người dưng” nữa. Hai chữ “Phận người” gợi ra cho người đọc thấy dòng đời vốn không êm ả. Không êm ả bởi ghềnh thác thời cuộc, với ghềnh thác áo cơm có lẽ còn thêm chút sóng xô trong lòng bởi những mâu thuẫn nhỏ nhặt mà trong công việc vun vén gia đình hàng ngày mang đến. Nhân vật trữ tình Tôi đã biết, đã cùng Em chia sẻ và hơn hết Tôi đã nhận ra rằng:

Tôi nợ em cả cuộc đời

Và nợ luôn cả một thời làm dâu

Hai chữ nợ cũng chính là hai lỗi thất luật của thơ Lục Bát, Nhưng đó lại chính là hai chữ làm mềm lòng người đối diện. Bỏ luật giữ niêm nhằm nhấn mạnh điều muốn nói, quả thật với hai câu kết này không thể không “chung lưng phận người” để cùng nhau đi hết đoạn đời còn lại, cùng nhau làm tròn bổn phận đạo hiếu với người mẹ già kính yêu!

Người viết bài này tin và mong rằng bạn cũng sẽ tin như thế bởi:

Tôi em còn mỗi Mẹ già
Tôi con ruột phận em là con dâu

Hai câu thơ nói về hoàn cảnh hiện tại của Tôi và em. Nhưng Tôi đang ở giữa hai người phụ nữ gần gũi yêu thương nhất của mình. Khi Tôi bật lên hai câu thơ này nhất là hình ảnh “còn mỗi mẹ già” có lẽ Tôi đã rất đau lòng. Bởi một bên tình, một bên hiếu thật khó cho Tôi. Tôi nhắc lại cho Em bổn phận làm dâu, nhưng cũng không quên nhắc tới bổn phận làm con của mình. Có lẽ Tôi đã rất nhiều lần ao ước được nghe Em nói như Xuân Quỳnh

Mẹ đâu mẹ của riêng anh

Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi

Mẹ tuy không đẻ không nuôi

Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong (Mẹ Của Anh-Xuân Quỳnh)

Đã có một chút sóng gió nổi lên, để cho Tôi phải nói ra tiếng lòng của mình.
Thì em toan liệu nông sâu
Mẹ già đâu khó bằng câu ân tình
Mẹ đâu tự khó một mình
Chẳng là giữ nếp gia đình mình xưa

Có lẽ Tôi đã mong mỏi rất nhiều, ao ước rất nhiều và đã nói với Em bằng tất cả tình yêu sự tôn trọng quyền làm vợ làm dâu của em. Chỉ một điều Tôi nhắc rất khéo “Mẹ đâu tự khó một mình”. Vâng người viết cũng rất đồng ý rằng mẹ không thể làm khó một mình và mẹ khó đến đâu đi nữa cũng không so sánh được với ân nghĩa và tình cảm của mẹ dành cho con cho dâu cho cháu. Tôi đã trao em quyền “Toan liệu nông sâu” một mình. Nhưng cũng không quên nhắc em khi lo liệu cư xử em hãy nhớ mẹ khó với em nếu có cũng chẳng qua là mẹ muốn “giữ nếp gia đình mình xưa” mà thôi! Nề nếp gia phong của mỗi gia đình nó là nét văn hóa ăn sâu trong tiềm thức mỗi thành viên trong gia đình ấy bao dời nay. Xưa bà truyền cho mẹ, nay mẹ truyền cho em để một mai em truyền lại cho con của mình. Nền nếp gia đình giữ được là do người phụ nữ trong gia đình hình như Tôi đã muốn nói với em như thế! Còn nữa những điều anh muốn gửi gắm:
Mẹ già nhớ nắng quên mưa
Em còn để bụng tôi chưa trọn người

Hẳn nhiên điều này bất kỳ ai cũng biết rằng: Người già khi nhớ, lúc quên. Vậy hà cớ gì Tôi phải nhắc em nhỉ? Có lẽ trong cuộc sống hàng ngày mâu thuẫn đã nảy sinh từ những điều nhỏ nhặt nhất, Em thì đã cố chấp mẹ già chăng? Hoặc giả em đã ghim gút những điều mẹ làm em chưa vừa lòng và nhắc lại với Tôi. Nếu vậy hẳn khi nói điều này Tôi đã hy vọng rất nhiều, rằng Em sẽ thay đổi cách suy nghĩ của mình, mà bỏ đi những điều em đã “để bụng” về mẹ của chúng mình. Để cho Tôi làm trọn bổn phận làm người, làm con ,làm chồng và hơn hết làm một người đàn ông đúng nghĩa ở đời.
Mẹ giờ như áng mây trời
Em còn đứng đó lựa lời phân minh

Mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu là chuyện muôn thủa, nhưng khi đọc bốn câu thơ của tác giả Phạm Văn thì hẳn nhiên rất nhiều bạn đọc phải giật mình mà nghĩ lại, chứ không chỉ riêng em. Hình ảnh mẹ già “như áng mây trời” bồng bềnh trôi về cuối chân trời bất cứ lúc nào cũng có thể khuất bóng phía trời xa. Thì em ơi! Có gì đâu mà vẫn “còn đứng đó lựa lời phân minh”. Ai đúng ai sai phỏng có ích gì.Và, em ơi mong em hãy nhớ như Tôi đã đang và sẽ mãi nhớ:

Ngày xưa má mẹ cũng hồng

Bên anh mẹ thức lo từng cơn đau

Bây giờ tóc mẹ trắng phau

Để cho mái tóc trên đầu anh đen (Mẹ Của Anh- Xuân Quỳnh)

Lời anh tha thiết, cứng rắn và đầy tình vẫn đang thì thầm cùng em:

Chỉ sợ hết chỗ trọng khinh
Và không còn chuyện để mình oan ưng

Vâng “Chỉ sợ…” một câu thơ phá luật giữ niêm để nhấn mạnh nỗi sợ của Tôi. Nhất bên trọng, nhất bên khinh có lẽ nào là điều em muốn. Không! có lẽ đấy mới chỉ là Tôi sợ thế thôi (Mong là như thế). Và một nỗi sợ nữa cũng không hề đơn giản rằng sẽ “không còn chuyện để mình oan ưng”. Tôi biết, Tôi sợ một ngày điều ấy sẽ đến. Bởi ‘Mẹ già như chuối chín cây..” Tôi sợ gió lay… Tôi cầu gió đừng lay và nỗi sợ này Tôi muốn em thấu hiểu và chia sẻ với Tôi. Khi đọc tới khổ thơ kết này

Tôi em vốn đã người dưng
Tôi em vốn đã chung lưng phận người
Tôi nợ em cả cuộc đời
Và nợ luôn cả một thời làm dâu

Người viết rất tin và hy vọng rằng Em đã thay đổi, bởi em đã hiểu ra, xưa Tôi và Em cũng chỉ người dưng, như mẹ và Em vốn không cùng huyết thống. Nhưng yêu nhau, hiểu nhau, cảm thấy không thể sống thiếu nhau rồi Em về làm dâu mẹ! Ta thành hai nửa không thể rời xa nhau thì cớ gì Em không thể coi mẹ như mẹ của mình đây nhỉ?

Ngay lúc này người viết cầu mong Tôi đã hoặc đang được nghe lời em thủ thỉ bên tai rằng:

Em xin hát tiếp lời ca

Ru anh sau nỗi lo âu nhọc nhằn

Hát tình yêu của chúng mình

Nhỏ nhoi giữa một trời xanh khôn cùng

Giữa ngàn hoa cỏ núi sông

Giữa lòng thương mẹ mênh mông không bờ

Chắt chiu từ những ngày xưa

Mẹ sinh anh để bây giờ cho em (Mẹ Của Anh- Xuân Quỳnh)

Nếu được như thế hẳn Tôi đang rất hạnh phúc bên nỗi Sợ cùng với hai chữ Nợ của mình!

Bài thơ Lời Cho Em tôi vừa đọc xong. Tác giả Phạm Văn đã đưa ra một góc nhìn trong muôn vạn góc nhìn, về cuộc sống gia đình. Trong xã hội từ bao đời nay và cách giải quyết vấn đề qua từng thông điệp và ý thơ chuyển tải tới bạn đọc. Mối quan hệ giữa nàng dâu và mẹ chồng xưa nay luôn có những bất đồng, đôi khi đẩy người đàn ông đứng giữa vào khó xử…

Qua bài thơ tác giả muốn chuyển tải thông điệp tới những nàng dâu rằng hãy nghĩ tới người đàn ông yêu thương của mình, hiểu cảm thông và chia sẻ với chồng với mẹ chồng. Có lẽ cũng rất mong các bà mẹ hãy nghĩ như chị bạn người viết ở phần đầu : Dâu là con gái, mình thương nó, nó ắt thương lại mình. Để cho những người đàn ông đang gánh một bên bổn phận làm chồng, một bên bổn phận làm con sẽ không phải nói Lời Cho Em như nhân vật trữ tình Tôi của tác giả Phạm Văn nữa..

Người viết chưa một ngày làm Dâu, nên những nhận định phán đoán và phân tích cũng như đồng cảm trong Lời Cho Em có thể chưa phản ánh đúng tâm tư tình cảm của nhân vật trữ tình trong thơ của tác giả. Rất mong nhận được lượng thứ từ bạn đọc cũng như tác giả nếu có sai sót khi viết bài.

Sài Gòn 11/10/2014

Huỳnh Xuân Sơn

Nguồn: http://tho.com.vn/thi-pham/loi-cho-em/55568

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét