Thứ Ba, 2 tháng 8, 2016
Huỳnh Xuân Sơn Cảm Nhận Bài Thơ Đường Tơ Lộn Mối Của Tác Giả Túy Phong Nguyệt
Khi yêu nhau tất cả các đôi lứa đều dành tặng cho nhau tất cả tình cảm và những gì tốt đẹp nhất cùng những lời có cánh. Nhưng rồi cuộc tình ấy đổ vỡ dù bất cứ lý do nào. Mỗi người lại có cái nhìn khác nhau về người kia. Người thì bao nhiêu lỗi đổ hết cho đối phương, người thì lại nhận hết về phần mình, cũng có người lại chọn cách im lặng ….
Dù chọn cách nào thì cả hai người đều có nỗi niềm và nỗi buồn riêng, không dễ một sớm một chiều mà nguôi ngoai được.
Nhất là cuộc tình ấy không thành, bởi các bậc sinh thành, mà họ là những người con bị bắt buộc phải đặt lên cán cân “bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn”.
Tôi đã bắt gặp một nỗi niềm như vậy của tác giả trẻ Túy Phong Nguyệt. với bài thơ:
Đường Tơ Lộn Mối.
Đi ngang cửa, nghe mùa đông trêu ghẹo,
Thu chòng chành, cứ réo gọi thời gian!
Sao nỡ để thu chóng vội úa tàn?
Thu van lơn, xin thời gian ngừng lại!
Những ngày cuối, lệ thu trào dâng mãi,
Nghịch cảnh bẽ bàng, phận mỏng truân chuyên!
Trung thu nay trăng cập bến đò duyên,
Thân bồ liễu, nương gốc tùng rợp bóng!
Trách ông tơ chẳng để tâm, lóng ngóng,
Xe lộn kim trao bà nguyệt kết nhầm!
Xót thương thân, trách người tóc hoa râm,
Đành lòng cưỡng ép duyên tình đôi lứa!
Đâu hiểu được lòng con như ngọn lửa,
Đốt cháy tim gan, thiêu trụi ngõ hồn!
Lệ trút cạn dòng, ai thấu hiểu con?
Giờ phút này đây, lòng con tê tái!
Cửa sang vẫn khép, đông còn xa ngái,
Thế mà sầu giăng khắp nẻo con đi!
Thu ơi thu! Xin ở lại, vội gì,
Cho ta gửi câu tri âm bè bạn! (Túy Phong Nguyệt )
Bài thơ này được tác giả viết vào mùa thu (tháng 9 /2013) mùa của yêu thương thơ mộng và đắm đuối như Lam Phương đã viết:
Mùa thu thay lá mùa nối tơ duyên
Anh nguyện một đời tình ta mãi là mùa thu yêu đương- (Mùa Thu Yêu Đương)
Nhưng mùa thu này không còn nên thơ nên nhạc trong thơ tác giả nữa! nhưng mùa Thu thì vẫn mãi là Thu
Đi ngang cửa, nghe mùa đông trêu ghẹo, /Thu chòng chành, cứ réo gọi thời gian! /Sao nỡ để thu chóng vội úa tàn?/Thu van lơn, xin thời gian ngừng lại!
Tác giả không nói “đi ngang cửa” nào. Có lẽ bên trong khung cửa ấy chất chứa rất nhiều kỷ niệm buồn để mà chỉ cần đi ngang cửa thôi mà đã cảm nhận “mùa đông trêu ghẹo”. tác giả viết “Thu tròng trành” rồi “Thu van lơn” và đổ thừa thu “réo gọi thời gian” rồi là thắc mắc tại sao lại để thu “vội úa tàn”. Để rồi “xin thời gian ngừng lại”.
Kỳ lạ thật với chàng trai trẻ này. ‘Thu đẹp đến nao lòng” còn ở đây thì thấy thu với bao nhiêu “tội lỗi” để mà phải “van lơn” mà van lơn xin một điều không thể cho được đó là “thời gian ngừng lại”. một khổ thơ đầu thôi đã bao uẩn khúc rồi nhưng chưa thấy “sợi tơ’ nào xuất hiện. Tác giả cũng không nói ai là chủ thể ở đây. Và khổ thơ tiếp lại viết:
Những ngày cuối, lệ thu trào dâng mãi, /Nghịch cảnh bẽ bàng, phận mỏng truân chuyên! / Trung thu nay trăng cập bến đò duyên, /Thân bồ liễu, nương gốc tùng rợp bóng!
Lại vẫn là Thu đổ lệ “trào dâng mãi” vào “những ngày cuối”. Tại sao lại có “những ngày cuối..” tác giả chưa nói và ta sẽ tìm sau chỉ thấy ngay toàn những đau khổ cho một cô gái yếu đuối “thân bồ liễu”nhưng cô “cập bến đò duyên” sao trước đó lại có “lệ trào dâng mãi” rồi “nghịch cảnh bẽ bàng” chưa hết cô cập bến đò duyên đê “nương gốc tùng rợp bóng” thì hà cớ gì phải “phận mỏng truân chuyên” đây? Ta lại mang theo một câu hỏi nữa để đi tìm tiếp:
Trách ông tơ chẳng để tâm, lóng ngóng, /Xe lộn kim trao bà nguyệt kết nhầm!./Xót thương thân, trách người tóc hoa râm, /Đành lòng cưỡng ép duyên tình đôi lứa!
Đường Tơ Lộn Mối đã lộ diện . Tác giả viết “ trách ông tơ …bà nguyệt” có lẽ chỉ để phụ họa cho đối tượng chính mà tác giả nhắm tới là “người tóc hoa râm” kia cơ. Người lớn đã “đành lòng cưỡng ép duyên tình đôi lứa”. Vì sao mà “người tóc hoa râm” lại làm việc ấy thì tác giả chưa nói và có lẽ sẽ không nói! Ta lại đi cùng tác giả thêm một khổ thơ nữa:
Đâu hiểu được lòng con như ngọn lửa, /Đốt cháy tim gan, thiêu trụi ngõ hồn!/ Lệ trút cạn dòng, ai thấu hiểu con?/ Giờ phút này đây, lòng con tê tái!
Tác giả trách là trách vậy thôi,trách để khắc họa thêm cho nỗi “lòng con như lửa đốt” và những “đốt cháy tim gan” và nữa “thiêu trụi ngõ hồn” câu hỏi buốt lòng người đọc “ai thấu hiểu con? Khi mà “lệ trút cạn dòng”. Tác giả hiểu “giờ phút này đây. Lòng con tê tái” thì các bậc sinh thành họ cũng hiểu thôi.
Nhưng vì sao? Và vì đâu ?mà ra nông nỗi này, với một “thân bồ liễu” thì có lẽ để vợi bớt nỗi đau hãy chỉ có người trong cuộc được biết. Bởi đã đến khổ kết và tác giả vẫn cất đi cái điều ấy:
Cửa sang vẫn khép, đông còn xa ngái, / Thế mà sầu giăng khắp nẻo con đi! /Thu ơi thu! Xin ở lại, vội gì,/ Cho ta gửi câu tri âm bè bạn!
Thu vẫn còn với bầu trời trong vắt vì mới “trung thu nay” thôi mà ! “Cửa sang vẫn khép” và “Đông còn xa ngái” có nghĩa không gian thời gian vẫn cứ quay đều theo trục quay của nó, có van lơn, có hờn trách thì nó vẫn trôi.
Chỉ có tâm hồn và nỗi lòng của “thân bồ liễu’ kia là “sầu giăng” nên khung cảnh cũng ảm đạm theo mà thôi! Thu không vội, nhưng Thu cũng không thể ở lại. Một thông điệp bất di bất dịch , khiến tác giả đành phải gửi gần như với theo không thì không kịp : “câu tri âm bè bạn” này tới người bạn của mình.
Bài thơ Đường Tơ Lộn Mối được tác giả viết như một lời sẻ chia với người bạn của mình. Có lẽ vì chữ hiếu mà phải tuân theo lời người “tóc hoa râm” và “cập bến duyên” với “Gốc tùng rợp bóng”. Và vì ép duyên nên cô bạn này mang theo rất nhiều nỗi niềm. nhưng có lẽ khi biết có người bạn tri âm viết ra những lời này cô ấy cũng nguôi ngoai phần nào nỗi buồn.
Sài Gòn 5/12/2013
Huỳnh Xuân Sơn
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét