Thứ Ba, 2 tháng 8, 2016
Huỳnh Xuân Sơn Cảm Nhận Bài Thơ Lại Một Mùa Hoa Cải Đi Qua Của Tác Giả Hạnh Nguyên
Mỗi năm cứ vào dịp cuối thu đầu đông là những cánh đồng hoa cải rực rỡ khoe sắc vàng . trên khắp các cánh đồng làng ở đồng bằng Bắc Bộ. Nhưng có lẽ nhiều nhất là ở vùng ven đê Sông Đuống hoặc vùng Trâu Quỳ Gia Lâm Hà Nội.
Hoa cải vàng nhắc mỗi người nhớ về một kỷ niệm riêng.Trong lòng tôi thì đang nao nao khi nhớ tới bộ phim Mùa Hoa Cải ven Sông và đặc biệt là ca khúc làm nền cho bộ phim có cùng tên. Lời bài hát da diết viết về tình yêu của một người lính “chia tay bởi chiến tranh/ Em đã chờ đợi anh./ Sao anh mãi không về”*. họ đã hò hẹn cũng vào mùa Hoa Cải và từ đó người con gái đo đếm những năm tháng chờ đợi người yêu từ mặt trận trở về cũng được tính bằng “Mùa Hoa Cải”.
Đó là tôi khi bắt gặp Mùa hoa Cải, còn bạn đọc thì sao? Tôi chưa biết. Nhưng chắc chắn tôi biết có một người cũng đang thao thiết suy tư với nỗi niềm sâu lắng nhưng tâm hồn thì rộng lớn với tình yêu dân tộc chứ không bó hẹp một bộ phim tình cảm như tôi!
Chị là Hạnh nguyên và nỗi niềm mà chị muốn gửi gắm cho những người lính là bài thơ:
Lại Một Mùa Hoa Cải Đi Qua
Em không kể với anh về mùa hoa cải
Về những người vợ trông chồng ngoài nơi biên ải
Em không kể với anh về nỗi buồn tê tái
Khi tiền người ra đi mắt ướt lệ nhoà
Bao mùa hoa cải đã trôi qua
Bao mùa xuân đã trở lại
Những con đường của các chàng trai ra trận
Ngày xưa giờ đã trải nhựa rộng dài
Trước ngôi nhà của em khi còn bé dại
Từng đoàn xe đưa bộ đội qua làng
Áo màu xanh quấn lá ngụỵ trang
Rung rinh sau lưng với bài ca người Lính
Tuổi trẻ ngày xưa đẹp gì bằng con đường ra trận
Lung linh dưới nắng chiều bàn chân bước hiên ngang
Em chưa kể với anh về người mẹ Việt Nam
“Ba lần tiễn con đi hai lần khóc thầm lặng lẽ”
Mùa hoa cải trên sông vẫn nở vàng như thế
Có bao chàng trai đã lỡ hẹn trở về
Hoa vẫn nở vàng bến bãi triền đê
Cuộc sống mới vang tiếng cười giòn giã
Vẫn còn đây những mối tình cao cả
Dâng trọn tuổi thanh xuân cho người Lính năm nào
Em chỉ kể với anh về lòng tự hào
Của thế hệ cháu con trước tân hồn người Lính
Hiên ngang trước quân thù chẳng một giây bịn rịn
Gìn giữ muôn đời từng tấc đất cha ông.
Không màng vinh quang ngày trở lại chỉ mong
Dưới gốc đa làng là cô gái ngày xưa đón đợi .(Nguyên Hạnh
Bài thơ dài được chị viết theo thể thơ Tự Do với tâm trạng xúc động về những hy sinh mất mát không chỉ là người lính ngoài chiến trường, mà còn cả người ở hậu phương nữa. Mở đầu chị viết
Em không kể với anh về mùa hoa cải. /Về những người vợ trông chồng nơi biên ải / Em không kể với anh về nỗi buồn tê tái ./Khi tiền người ra đi mắt ướt lệ nhoà
Như bao người khác chị cũng bắt đầu bằng câu chuyên tình yêu người lính.Được đong đếm thời gian chờ đợi bằng “mùa hoa cải” mà còn cả “những người vợ chờ chồng …” thì cũng chờ đợi chồng mình không chỉ tính bằng “mùa Hoa Cải” mà thực ra chẳng hẹn được ngày về. bởi “chiến tranh không ước hẹn”.
Lòng người đi kẻ ở đều “ buồn tê tái”, khi chia tay ai mà chẳng “nước mắt lệ nhòa’ dù thời nay hòa bình nhưng đứng trước sự chia ly không hề có bóng đen của mất mát theo sau mà còn rưng rưng nữa là.
Tình yêu đôi lứa, tình yêu chồng vợ! chị nhắc lại nhưng là “em không kể với anh” (người lính’) đâu! Đây là chị chỉ nhắc với thế hệ hôm nay thôi! Phải không chị?
Thế hệ người lính ấy hôm nay tóc đã pha sương trên mái đầu người may mắn trở về, dù trên mình còn bao thương tật hay lành lặn. Thì với họ” Kể với anh” về bất cứ sự hy sinh nào đều cũng là thừa cả.
Và đây là hậu phương ngày nay sau khi chiến tranh đã đi qua gần bốn mươi năm
Bao mùa hoa cải đã trôi qua / Bao mùa xuân đã trở lại / Những con đường của các chàng trai ra trận / Ngày xưa giờ đã trải nhựa rộng dài
Con đường trường sơn “một thời đạn bom một thời khói lửa”.hay còn có tên gọi “Đường mòn Hồ Chí Minh” ngày ấy. và một con đường mà bất kỳ người lính nào hay thân nhân của họ tới hôm nay không thể quên khi nhắc đến cuộc chiến tranh chống Mỹ đó là “Đường Chín Nam lào”. Bây giờ thì không còn là đường mòn vượt đèo lội suối nữa. Con đường đã được mở rộng bằng phẳng tráng dầu dọc từ bắc vào nam.
Dẫu bao mùa hoa cải đã trôi qua. Có nghĩa mùa đông sẽ đến rồi sẽ đi, để nhường chỗ cho “mùa xuân trở lại”. Con đường ngày ấy hôm nay cây cối xanh tươi núi non trùng điệp, màu xanh hòa quyện với những dòng sông suối nên thơ, hai bên đường những bản làng thị trấn nhộn nhịp đông vui. Chiến tranh đã lùi xa khỏi nơi này rồi.
Bài thơ được chị viết tiếp với dòng hồi ức của chị
Trước ngôi nhà của em khi còn bé dại / Từng đoàn xe đưa bộ đội qua làng
Áo màu xanh quấn lá ngụỵ trang / Rung rinh sau lưng với bài ca người Lính
Với chị thì hình ảnh người lính trên những đoàn xe ra trận ngày chị còn thơ bé đứng nhìn ấy mãi mãi là hình ảnh chị mang theo suốt những năm tháng sau này và cho tới tận bây giờ.
Và cũng từ những hình ảnh ấy đã cho chị hiểu nhiệt huyết của thế hệ cha anh ngày trước, không có niềm vui niềm tự hào nào bằng việc mình được ra trận. Biết bao người trai trẻ thủa ấy đã trích máu viết đơn xung phong lên đường. Họ có thể là sinh viên, học sinh, là kỹ sư bác sĩ hay là một anh nông dân, tất cả họ đều có chung một niềm tin chiến thắng và dám hy sinh tất cả cho tổ quốc.
Và còn một điều nữa chị muốn nhắc lại cho thế hệ hôm nay rằng . Hy sinh vì cuộc chiến không chỉ có người lính nơi chiến tuyến. Mà còn những người thân ở nhà mà đặc biệt là những bà mẹ Việt Nam.
Chắc chắn rằng không đâu như nước mình “đât nước tôi thong thả giọt đàn bầu” mà phải “nghe dịu nỗi đau của mẹ, ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ, các anh không về mình mẹ lặng im….đất nước tôi” (Đất nước tôi- Phạm Minh Tuấn). Mẹ khóc thầm lặng lẽ vì con mẹ nằm đâu đó nơi chiến trường bom đạn cày xới. nếu sau nỗi đau mất con mà còn thấy hài cốt hoặc là chút niềm vui gặp xác con thì lại là hình ảnh “mẹ vỗ tay reo mừng xác con”( hát trên những xác người- Trịnh Công Sơn)…
Mùa hoa cải trên sông vẫn nở vàng như thế / Có bao chàng trai đã lỡ hẹn trở về /Hoa vẫn nở vàng bến bãi triền đê /Cuộc sống mới vang tiếng cười giòn giã
Vẫn còn đây những mối tình cao cả /Dâng trọn tuổi thanh xuân cho người Lính năm nào / Em chỉ kể với anh về lòng tự hào /Của thế hệ cháu con trước tâm hồn người Lính
Hiên ngang trước quân thù chẳng một giây bịn rịn / Gìn giữ muôn đời từng tấc đất cha ông. / Không màng vinh quang ngày trở lại chỉ mong /Dưới gốc đa làng là cô gái ngày xưa đón đợi .
Bài thơ này vẫn còn nữa ở đây những điều “Em không kể với anh” mà chỉ muốn nhắc lại cho “thế hệ cháu con” rằng: Ngoài người vợ , người mẹ có danh phận với người lính. Vẫn còn nhiều rất nhiều người phụ nữ Việt Nam chỉ với một lời hẹn ước với người mình yêu ngày anh lên đường ra trận và từ đó biền biệt “thư đi không trả lời”*. và người thì cũng “Sao anh mãi không về”* đến bây giờ vẫn mòn mỏi sống trong chờ đợi và hy vọng dù chỉ gặp lại “nắm xương” cũng là niềm an ủi lớn với nỗi chờ đợi suốt mấy chục “Mùa Hoa Cải”.
Các chị hiểu ngày ấy các anh đi không quản ngại đường hành quân vất vả, không sợ bom rơi đạn lạc họ chỉ mong sao ngày chiến thắng trở về có “cô gái ngày xưa đón đợi”. Các anh có người trở về không còn người xưa đón đợi vì ở nhà cũng có người “Ai cũng bảo phải quên. Em đành bước sang ngang. Gửi mùa xuân ở lại*.”
Nhưng rất, rất nhiều người đã không trở về để cho người ở nhà phải “. Đợi anh mặc hoa trôi. Đợi anh trong khắc khoải. Em đã chờ đợi anh .Sao anh mãi không về”!*
Và cuối cùng chỉ có một điều chị "muốn nói với các anh" đó là "lòng tự hào của thế hệ cháu con về tâm hồn người lính các anh"
Chiến tranh mất mát là điều không thể tránh khỏi, nhưng hậu quả của nó thì kéo dài sau mấy chục năm vẫn còn rất nhiều người họ không hề tham gia trực tiếp vào chiến tranh mà họ vẫn đang gánh chịu hậu quả từng ngày.
Họ là những người mẹ, người vợ, người yêu của những người lính năm xưa đã ra đi và vĩnh viễn không trở về!
* lời ca khúc Mùa Hoa Cải của nhạc sĩ Lê Vinh
Sài Gòn 21/12/2013
Huỳnh Xuân Sơn
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét