Thứ Hai, 1 tháng 8, 2016
Huỳnh Xuân Sơn Với Cảm Nhận Chùm thơ Haiku Dáng Hạ Của Tác giả Lý Viễn Giao
Tôi đã đọc được ở đâu đó lời khuyên rằng: “ Khi muốn thả hồn rong chơi trong những tứ thơ. Bạn hãy tìm đến thơ Haiku, một thể thơ có nguồn gốc từ Nhật Bản”. Chẳng biết lời khuyên ấy với bạn thì sao, chứ với tôi thì rất đúng. Thơ Haiku ngắn gọn súc tích chứa đựng những ngắt ý rõ ràng, Không miêu tả chỉ gợi mở….nhường lại không gian cho bạn đọc bay bổng cùng trí tưởng tượng của mình. Cứ thi thoảng tôi lại muốn bay cùng thơ Haiku, thả tâm hồn cho ý thơ nâng bổng muốn mang đi đâu cũng được..
Ngay lúc này tôi đang tìm đến với chùm thơ Haiku có tên Dáng Hạ của tác giả Lý Viễn Giao. Tôi đã bay bổng cùng Tiếng Hạ, Sắc Hạ và nay là Dáng hạ…Chỉ nội cái tựa chùm thơ thôi. Đã khiến tôi vô cùng thích thú để bước vào xem:
Dáng hạ
Nắng xiên khoai
Nón lá áo tơi
Bụi ôm lưỡi cuốc
*
Tia chớp xanh lè
Gió bấu ngọn tre
Mưa nghiêng mái lá
*
Trăng treo ngọn cau
Đuổi nhau
Rồng rắn
*
Hết đường bừa
Bữa cơm trưa
Tán đa tròn bóng
*
Nước cuộn dòng
Ai vẫy bên sông
Thuyền sang lệch bến (Lý Viễn Giao)
Một chùm thơ với năm Dáng Hạ được tác giả vẽ theo những đường nét khác nhau. Tạo ra năm bức hoạ mang dáng dấp phong cảnh, hồn cốt của mùa hạ. Nhưng theo luật thế của Thơ Haiku, đặc biệt là quý ngữ được tuân thủ nghiêm ngặt( mặc dù khi du nhập vào Việt Nam thơ Haiku không còn đòi hỏi khắt khe nữa). Cùng với những ngắt ý gãy gọn và luôn mở ra một khung cửa phía sau là cả một không gian bao la cho người đọc liên tưởng và cảm ý thơ…
Dáng Hạ đầu tiên được tác giả giới thiệu:
Nắng xiên khoai
Nón lá áo tơi
Bụi ôm lưỡi cuốc
Bức tranh thứ nhất khắc hoạ một Dáng Hạ không hề dễ chịu chút nào, với nét vẽ cụ thể là “Nắng xiên khoai”. Quý ngữ thể hiện ở đây bởi Nắng xiên khoai là cái nắng như thiêu, như đốt vào nửa buổi chiều mùa hạ miền Bắc, miền Trung hoặc mùa nắng miền nam. Từng sợi nắng xiên ngang như muốn ăn sâu vào mọi nơi nó chiếu tới. Xiên khoai là hình ảnh một que tre xiên ngang củ khoai để cầm không bị nóng. Còn nắng xiên khoai là cái nắng xiên ngang mặt người…Nắng xiên khoai có mặt ở khắp ba miền, Bắc Trung Nam. Nếu muốn biết bối cảnh của Dáng Hạ này ở đâu ta phải đi tiếp. Và đây là nét vẽ thứ hai xuất hiện “Nón lá áo tơi” . Ở nét vẽ đầu đã gợi ra cái nắng như thiêu như đốt. Bây giờ nét vẽ thứ hai lại là hình ảnh những công cụ chống nắng trong dân gian hữu dụng và tiện lợi. Nón lá đội đầu, Áo tơi che những sợi nắng xiên ngang như những mũi dùi lửa đang nhằm vào cơ thể kia. Áo tơi áo lá vốn xuất xứ cũng như được dùng nhiều ở miền Trung .Nơi có cái “nắng chi như nấu như nung suốt ngày” mà ta hay gọi là nắng lửa. Lại được thốc thêm những cơn “Gió nam Lào bụng chứa nóng thiêu”. Và đây là nét vẽ thứ ba “ Bụi ôm lưỡi cuốc”. Nắng nóng, gió nóng đất như được rang chín…nhưng người dân vẫn phải lao động mà là lao động bằng chân tay, cực nhọc.
Hình ảnh bụi của đất khi nhát cuốc bổ xuống nó ôm lấy lưỡi cuốc. Chính là nét vẽ tác giả muốn vẽ nốt để hoàn thiện một Dáng Hạ cho ta thấy: Bụi của đất bốc lên khi người nông dân đầu đội nón, lưng mang áo tơi giơ tay cuốc đất…Bụi bay lên phủ kín thân người! Trong cái “nắng xiên khoai”. Một bức hoạ Dáng Hạ mà bối cảnh ra đời là miền trung nắng nóng. Một bức hoạ dựng nên bằng ba nét vẽ thôi nhưng lại ẩn chứa tình thơ khiến nhức nhối người chiêm ngưỡng nó…Dáng Hạ này cho người đọc liên tưởng đến sự vất vả cực nhọc, chịu thương, chịu khó của người dân nghèo miền trung…
Dáng Hạ thứ hai được tác giả giới thiệu:
Tia chớp xanh lè
Gió bấu ngọn tre
Mưa nghiêng mái lá
Một hiện tượng thiên nhiên thường xuất hiện vào mùa hè trong những cơn giông, Cơn giông chính là nét vẽ đầu tiên :“Tia chớp xanh lè”.Quý ngữ thể hiện ở câu này, bởi chỉ có mùa hè mới có những cơn mưa giông kèm theo sấm chớp thường xuất hiện vào buổi chiều. Nét vẽ thứ hai khắc hoạ hình ảnh “Gió bấu ngọn tre”. Những cơn giông bão mùa hè thường vít ngọn tre xuống, đôi khi níu ngả nghiêng chúng. Tác giả dùng động từ bấu cho những cơn gió khi chúng xô ngang những ngọn tre quả thật là một cách dùng từ đắt giá. Không phải gió xô ngã tre mà gió phải bấu vào ngọn tre. Cây tre vốn có sự dẻo dai và chịu đựng gió rất tốt. Cây tre trụ vững một chỗ còn gió đến lại đi, Vậy thì gió bấu ngọn tre, muốn tìm nơi nương tựa ở tre ?
Và đây là nét vẽ thứ ba: “Mưa nghiêng mái lá”… Mưa mùa hạ thường là mưa rào, mưa rất to ầm ầm trút nước xuống khắp mọi nơi. Mưa nghiêng cả mái lá ư? Mưa nặng hạt quá khiến cảm giác như mái lá mỏng manh của những căn nhà tranh kia những muốn nghiêng theo dòng nước đang đổ xuống như thác đấy thôi. Chứ mái tranh mà nghiêng thì căn nhà bay mất rồi còn đâu.
Ba nét vẽ khắc hoạ nên một bức tranh của làng quê nghèo ở Bắc Bộ vào những buổi chiều mùa hạ thường có những cơn giông mang theo sấm chớp, rồi mưa như trút xuống những mái tranh nghèo. Khiến cho những mái lá cũng muốn nghiêng theo dòng nước đổ… Một bức hoạ Dáng Hạ khắc khoải lòng người không kém bức thứ nhất.
Dáng Hạ thứ ba cũng được tác giả giới thiệu với vỏn vẹn tám từ cùng ba ngắt ý cũng chính là ba nét vẽ
Trăng Treo ngọn Cau
Đuổi bắt
Rồng rắn
Nét vẽ thứ nhất là hình ảnh chị Hằng thật đẹp: “Trăng treo ngọn cau”. Đêm mùa hạ ánh trăng sáng vằng vặc. Trăng treo trên ngọn cau để khoảng trống cho nét vẽ thứ hai thật đậm nét “đuổi nhau”. Ai đuổi ai? Ánh trăng xua màn đêm đen thì hẳn nhiên rồi. Còn có bao nhiêu thứ đuổi nhau trong đêm trăng chứ không hẳn chỉ có ánh trăng chơi trò cút bắt này đâu. Nhất là bọn trẻ thì đêm trăng sáng là lúc lý tưởng để chơi trò chơi đuổi bắt…
Và nét vẽ thứ ba cũng đến góp mặt với hai từ: Rồng rắn Một trò chơi dân gian có tên “Rồng rắn lên mây” là điều đầu tiên nghĩ tới khi xem nét vẽ thứ ba này.
Cả ba nét vẽ khắc hoạ ra một bức tranh mà bối cảnh của nó là Dưới ánh trăng sáng đêm hè. Bầy trẻ nhỏ lũ lượt rủ nhau chơi trò rồng rắn lên mây. Trò chơi cút bắt (trốn tìm) cũng xuất hiện ở nét vẽ thứ hai…Toàn cảnh bức tranh là tuổi thơ nơi thôn quê vào những đêm hè với những trò chơi dân gian. Một bức tranh Dáng Hạ tôi rất thích và tôi rất muốn Dáng Hạ thứ tư sẽ vui hơn nữa…(liệu có tham quá hay không)
Dáng Hạ thứ tư cũng vừa được tác giả giới thiệu
Hết đường bừa
Bữa cơm trưa
Tán đa tròn bóng
Mùa hạ ở miền Bắc cũng chính là khi “cua ngoi lên bờ mẹ em xuống cấy” để kịp vụ mùa. Nét vẽ thứ nhất mang hình ảnh “Hết đường bừa”. Người nông dân lam lũ vất vả quanh năm, ngay lúc giữa hạ là lúc gieo trồng vụ mùa. Họ lao động miệt mài quên cả thời gian, chỉ đến lúc “Hết đường bừa”có nghĩa đường bừa cuối cùng cho thửa ruộng xong họ mới nghỉ…nét vẽ thứ hai mang hình ảnh : “Bữa cơm trưa” Tất nhiên bữa trưa dù thế nào cũng phải có cho những người lao động rồi. Nhưng nét vẽ thứ ba lại là hình ảnh “Tán đa tròn bóng”. Tròn bóng, đồng nghĩa với đứng bóng có nghĩa là giữa trưa.
Ba nét vẽ đã vẽ ra bức tranh cánh đồng làng của vùng quê Bắc Bộ vào vụ cấy lúa mùa (giữa hạ ). Người dân đi bừa cố cho xong để kịp mùa vụ. Bữa cơm trưa của họ vì thế cũng đến muộn hơn vào lúc tán đa tròn bóng. Họ ăn cơm trưa ngay trên đồng để rồi lại bắt tay vào việc. Bức tranh khắc hoạ những vất vả nhọc nhằn và hơn hết là sự chịu thương, chịu khó của người nông dân Việt Nam, trong cuộc sống hàng ngày… Mỗi ngày ai cũng phải bưng bát cơm ăn. Nhưng thử hỏi có bao nhiêu người hiểu được để làm ra hạt gạo ấy, người làm ra nó phải vất vả thế nào? Tác giả Lý Viễn Giao đã nhắc nhở về điều ấy, qua Dáng Hạ này của ông.
Dáng Hạ thứ năm cũng vừa hoàn tất được tác giả gới thiệu:
Nước cuộn dòng
Ai vẫy bên sông
Thuyền sang lệch bến
Nét vẽ thứ nhất mang đến một hình ảnh cụ thể “Nước cuộn dòng” . Nước cuộn dòng sông sẽ nổi sóng lớn, cuộn dòng suối nổi sóng nhỏ, Nếu cuộn dòng hải lưu ngoài biển có thể còn có sóng thần ập đến.. Nước cuộn dòng như xoáy vào tâm tư , vào dòng hồi ức của người chiêm ngưỡng nét vẽ này.
Với nét vẽ thứ hai : “Ai vẫy bên sông”. Ngăn cách đôi bờ bằng một dòng chảy đang cuồn cuộn…bên kia có một người đang vẫy gọi. mang theo hai nét vẽ này đi tìm nét thứ ba của Dáng Hạ rất nỗi niềm này. Thuyền sang lệch bến. “Thuyền ơi có nhớ bến chăng?” Hẳn nhiên là nhớ ..nhưng có lẽ do “Nước cuộn dòng” nên biết rằng “ai vẫy bên sông” nhưng lực bất tòng tâm sóng đẩy thuyền lệch bến…
Một Dáng Hạ chất chứa nỗi niềm xen lẫn bâng khuâng về một lần lỡ chuyến đò ngang. Hình ảnh nước cuộn dòng là hình ảnh động cùng với dáng ai vẫy bên sông là một địa điểm cụ thể…Hình ảnh con thuyền sang lệch bến trên một dòng sông cuộn sóng, khiến ta liên tưởng đến sự lệch bến, là do ngoại cảnh tác động vào làm thay đổi ..
Năm Dáng Hạ đã hiện diện cùng những câu thơ ngắn gọn. Với những ngắt ý rõ ràng, như những nét vẽ khắc hoạ nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau về năm sự việc, hình ảnh cụ thể …
Cám ơn tác giả Lý Viễn Giao với Chùm thơ Dáng Hạ đã cho tôi có những phút giây bay bổng cùng ý thơ gợi mở… Đưa tôi đến với miền trung nắng lửa sẻ chia sự vất vả của người dân nghèo nơi ấy. Thoáng chốc đã gặp lại những cơn giông chiều tối mà thủa ấu thơ nơi vùng trung du Bắc Bộ tôi vẫn thường chứng kiến…Lúc lại được mơ màng với những đêm trăng mùa hạ chơi trò rồng rắn, cút bắt với đám bạn trong xóm…Khi thì cùng ngậm ngùi thương cha mẹ xưa và nay những bà con cô bác quê nghèo vẫn còn tay cầy tay cấy suốt cả nắng trưa mong kịp vụ cấy mùa. Cuối cùng xin cảm ơn tác giả đã gửi tâm tư vào Dáng Hạ bên sông khiến cho xúc cảm bâng khuâng xen lẫn bồi hồi với những kỷ niệm đầu đời…Mỗi người một hoàn cảnh chẳng ai giống ai, bởi vậy Dáng Hạ cũng tuỳ người đối diện chiêm ngưỡng..Xấu -đẹp ,rực sáng hay u uẩn, là do tự người cảm nhận.
Dáng Hạ của tác giả Lý Viễn Giao với riêng tôi là bài viết này.
Sài Gòn 8/7/2014
Huỳnh Xuân Sơn
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét