Thứ Hai, 1 tháng 8, 2016

Huỳnh Xuân Sơn cảm nhận bài thơ Mẹ Tôi của tác giả Trà Thanh Lam



Mẹ Tôi

Mẹ tôi tóc đã hoa râm
Giường kê thấp xuống cho gần đất hơn
Lên đồi ngại bậc dốc trơn
Đi xa sợ té “ tay vươn giữa trời”.

Một vai gánh nửa cuộc đời
Đắng cay mẹ nhận, ngọt bùi dành con
Chác chao duyên phận chẳng tròn
Nước cô đơn
gội,
tóc buồn trắng rơi

Khổ đau dấu kín vào người
Trắng trong ngọn nến giữa đời lắt lay
Sông sâu, sóng cả đò đầy
Con thuyền đơn độc những ngày bão dông.

Các con đứa Bắc, người Đông
Một mình Mẹ với cánh đồng lúa ngô
Những khi sóng gió bất ngờ
Mẹ đau, đau cả
bến bờ
bãi sông…

Một đời Mẹ cứ ngóng trông
Câu thơ khắc khoải nối vòng tay ôm
Bước đi giờ đã run run
Hai chân thật, một “chân khôn” dò đường…

Chín mươi Mẹ vẫn tinh tường
Câu thơ, điệu Ví đêm trường ngân nga…
Đời sông lắng mãi trong ta
Nắng trưa,
mưa tối,
chiều tà mây bay …

Hoàng hôn sẽ đến mỗi ngày…(Trà Thanh Lam)

Bài thơ được viết theo thể thơ Lục Bát biến thể của tác giả Trà Thanh Lam,người đã bước vào tuổi xế chiều.Mẹ Tôi viết về người mẹ kính yêu đã bước qua tuổi chín mươi của tác giả! Tâm tư tình cảm của người con hiếu thảo gửi vào từng câu chữ, khiến cho tôi và có lẽ nhiều bạn đọc bùi ngùi theo những nỗi truân chuyên của người mẹ. Nhất là sau khi đọc Tâm Sự Chiều của ông nữa, tôi hiểu thêm về một người phụ nữ đã đi qua hai thế kỷ với những biến cố của đất nước. Cùng những thăng trầm của lịch sử. Bao nhiêu nỗi đắng cay vất vả cực nhọc bà phải trải qua để nuôi dạy đàn con trưởng thành. Bà một mình vừa làm mẹ vừa làm cha bởi theo tác giả thì “Nửa đường cha đã vội rời thế gian”. Viết về mẹ thì có biết bao nhiêu lời hát câu thơ đã viết và sẽ viết nhưng có lẽ không có giấy bút nào viết hết về mẹ được cả.

Tác giả Trà Thanh Lam cũng phải tới khi qua tuổi 60 và vào dịp mừng thọ mẹ 90 ngày đầu xuân 2014 ông mới viết Mẹ Tôi.

Mẹ tôi tóc đã hoa râm
Giường kê thấp xuống cho gần đất hơn
Lên đồi ngại bậc dốc trơn
Đi xa sợ té “ tay vươn giữa trời”.

Đọc khổ thơ chất đầy hình ảnh về người mẹ 90 tuổi của tác giả, nhưng đắt nhất và gợi hình nhiều nhất chính là hình ảnh “Giường kê xuống thấp cho gần đất hơn”. Bà cũng như rất nhiều bà mẹ tuổi 90 khác mỗi khi đi lại đều ngại ngần. Ở khổ thơ này có lẽ còn chở theo nỗi ngại ngần của tác giả lo khi mẹ gần đất xa trời, chứ không hẳn chỉ là nỗi lo đi lại, hay giường cao khó lên xuống của người mẹ. Mẹ nay già yếu là thế, hẳn tác giả nhìn mẹ mình với ánh nhìn biết ơn và cảm phục khi viết:
Một vai gánh nửa cuộc đời
Đắng cay mẹ nhận, ngọt bùi dành con
Chác chao duyên phận chẳng tròn

Chỉ với câu thơ cùng hình tượng “Một vai gánh nửa cuộc đời” ta đã cảm nhận được cái gánh nặng mà đời mẹ trải qua. Người phụ nữ cô đơn về tình cảm khi chồng không may mất sớm để lại đàn con. Một mình với bao vất vả lo toan “đắng cay mẹ nhận ngọt bùi dành con” Người mẹ với phẩm chất hy sinh chịu đựng của người phụ nữ Á Đông được răn dạy theo Tam tòng, tứ đức. Bà cũng chính là hình ảnh người phụ nữ tròn vẹn công dung ngôn hạnh đại điện cho người phụ nữ Việt Nam.Thêm một câu thơ vắt xuống dòng chứa đầy hình tượng trong thơ làm điểm nhấn nữa

Nước cô đơn

gội

Tóc buồn trắng rơi

Hình ảnh gội đầu của bà không phải bằng bồ kếp hương bưởi hong trong gió như ta vẫn thường thấy trong thơ trog nhạc. Mà ở đây Mẹ của nhà thơ đã gội bằng “nước cô đơn” nên “tóc buồn trắng rơi”. Vâng chắc chắn ở câu thơ này tác giả muốn mượn hình ảnh gội đầu để nói về những năm tháng mẹ ông vừa làm cha, vừa làm mẹ, lam lũ tảo tần, bên cạnh nỗi cô đơn vì thiếu vắng một nửa yêu thương của đời mình. Mẹ Tôi chất chứa hầu hết những đức tính của bà mẹ Việt Nam. Chịu đựng hy sinh cả một đời vì chồng vì con cho đến cuối đời như “ngọn nến lắt lay” con cháu thành đạt mẹ vẫn chưa ngơi nghỉ nỗi lo.
Khổ đau giấu kín vào người
Trắng trong ngọn nến giữa đời lắt lay
Sông sâu, sóng cả đò đầy
Con thuyền đơn độc những ngày bão dông.

Những năm tháng vừa làm cha vừa làm mẹ để chịu về mình những đắng cay ấy. Mẹ của tác giả hẳn đã giấu kín rất nhiều niềm nỗi, để giữ mình được “trắng trong” khi bản thân chỉ như một “ngọn nến lắt lay giữa đời”. Người mẹ ấy đã qua bao nhiêu chuyến đò đầy trên sông đời cuồng nộ bão tố, của những năm tháng chiến tranh ác liệt và hậu cuộc chiến là thời bao cấp khốn khó. Trong khi đàn con, trưởng thành đứa nào thì nó vỗ cánh bay đi đứa ấy:
Các con đứa Bắc, người Đông
Một mình Mẹ với cánh đồng lúa ngô
Những khi sóng gió bất ngờ
Mẹ đau, đau cả
bến bờ
bãi sông…

Theo như Tâm Sự Chiều thì Tác giả đã tham gia chiến tranh chống Mỹ rồi ra Bắc. Các em hai đứa vào chiến trường Tây Nam đứa đi học xa nhà. Một bầy con tham gia chiến tranh khốc liệt nhưng may mắn các con mẹ đã trở về nguyên vẹn. Nhưng Mẹ thì vẫn một mình tần tảo “với cánh đồng lúa ngô” mỗi khi trái gió trở trời cũng chỉ có một mình.

Mẹ đau đau cả

bến bờ

bãi sông…

Có lẽ tác giả còn muốn gửi gắm nỗi đau âm thầm trong chiến tranh nay nghe tiếng súng, tiếng bom vọng về.Làm sao lòng người mẹ lại có thể an tâm cho được. Hay như những cơn bão lũ mỗi năm đến hẹn lại nhằm khúc ruột miền trung quê mẹ mà tàn phá, Lòng mẹ chất chồng những nỗi lo. Lúc chiến tranh, khi hòa bình người mẹ vẫn mãi mãi có những nỗi lo, không chỉ cho các con của mẹ đã trưởng thành, mà còn các cháu, còn mảnh đất quê hương. “Lòng mẹ bao la như biển thái bình dạt dào. Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào” câu hát ấy tác giả đã nghe, tôi đã nghe và bạn cũng đã nghe, có ai không rung động bao giờ?

Một đời Mẹ cứ ngóng trông
Câu thơ khắc khoải nối vòng tay ôm
Bước đi giờ đã run run
Hai chân thật, một “chân khôn” dò đường…

Vâng mẹ đã 90 tuổi các con của mẹ cũng đã ngoài 60 nhưng “Con dù lớn vẫn là con của mẹ. Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con”(Chế Lan Viên). Mẹ vẫn ngóng vẫn trông dù biết chắc chắn con mình đang bình yên. 90 năm đời mẹ trải qua bao thăng trầm, bước đi không còn vững đôi chân mẹ phải nương nhờ cây gậy chống. Tác giả khéo dùng hình ảnh “Hai chân thật một “chân khôn” dò đường…” Cây gậy bấy giờ trở thành chân thứ ba của mẹ mà nó lại là cái “chân khôn” mới đẹp làm sao.

Dẫu tác giả, tôi và bạn biết rất rõ, tạo hóa đã sắp sẵn mỗi người có một vòng tròn số phận khác nhau. Hết đêm tới ngày, hết ngày sẽ tới buổi hoàng hôn và rồi lại màn đêm bao phủ. Phải chăng khổ kết như chính nỗi lòng đứa con hiếu thảo đang ngập ngừng khi viết:
Chín mươi Mẹ vẫn tinh tường
Câu thơ, điệu Ví đêm trường ngân nga…
Đời sông lắng mãi trong ta
Nắng trưa,
mưa tối,
chiều tà mây bay …

Hoàng hôn sẽ đến mỗi ngày!

Mẹ Tôi của tác giả Trà Thanh Lam với hồn thơ chở nặng chữ hiếu, chữ tình của người con dành cho mẹ mình. Vẫn biết hoàng hôn sẽ đến mỗi ngày, vẫn biết “Mẹ già như chuối chín cây…” nhưng tác giả mong, tôi mong và mong rằng bạn đọc cùng mong “Gió đừng lay…” Và dẫu cho có thế nào đi nữa. sóng to bão lớn đi qua cuộc đời mỗi đứa con thì với tác giả “Sông đời vẫn lắng trong ta..” vâng dòng sông mẹ vẫn một đời âm thầm chiu chắt phù sa dâng hiến cho những cánh đồng Con màu mỡ bất kể mưa nắng hay đêm ngày.

Với tác giả Trà Thanh Lam thì chắc chắn ông sẽ không bao giờ phải day dứt như nhà thơ Đỗ Trung Quân

Ta làm thơ cho đời và biết bao người con gái

Có bao giờ thơ cho mẹ ta không?

Những bài thơ chất ngập tâm hồn

………….

Ta quên mất thềm xưa dáng mẹ ngồi chờ (Mẹ - Đỗ Trung Quân)

Giờ này sau khi đã xong việc công, tác giả có cuộc sống hạnh phúc với gia đình nhỏ. Sớm hôm cùng mẹ “Câu thơ điệu ví đêm trường ngân nga…” Tác giả Trà Thanh Lam được hưởng diễm phúc “ Mẹ ru cái lẽ ở đời. Sữa nuôi phần xác. Hát nuôi phần hồn”.Ngoài sáu chục tuổi vẫn đêm ngày được “dưỡng nuôi phần hồn” bằng lời của mẹ, hẳn nhiên chẳng còn niềm hạnh phúc nào to lớn hơn được nữa.

Bất chợt người viết như nghe ông đang hát khe khẽ

Mỗi mùa xuân sang

Mẹ tôi già thêm một tuổi

Mỗi mùa xuân sang ngày tôi xa mẹ càng gần

Dù biết như thế tôi vẫn phải tin

Tôi vẫn phải tin mẹ đang còn trẻ

Mỗi mùa xuân về mẹ thêm tuổi mới

Mỗi mùa xuân mới con mừng tuổi mẹ (Mừng Tuổi Mẹ -Trần Long Ẩn)

Bài thơ Mẹ Tôi của nhà thơ Trà Thanh Lam như một lời tri ân, một nỗi biết ơn, một dòng tình cảm, của đứa con đã “bạc mái đầu” dành cho người mẹ kính yêu một đời truân chuyên của mình. Đọc Mẹ tôi ta còn thấy hình ảnh biết bao bà mẹ khác nữa trên khắp dải đất thân thương này. Các bà , các mẹ dẫu cho có già đi tới đâu vẫn có chung một tâm tư tình cảm dành cho con vô bờ bến. Tình cảm này, ân đức này đã được người xưa đúc kết “Nước mắt chảy xuôi”.Vẫn biết là mẹ chẳng thể làm gì khi mà “mắt mờ chân chậm” nhưng nỗi lo và tình cảm dành cho con cháu thì vẫn mênh mông dạt dào “Như nước trong nguồn chảy ra”. Mỗi chúng ta ai may mắn còn mẹ trên đời xin hãy về bên mẹ mỗi khi có thể, bởi bất kỳ người mẹ nào xa con mỗi chiều, mỗi sáng đều vẫn ngóng trông.

Sài Gòn 11/10/2014

Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét