Thứ Hai, 1 tháng 8, 2016

Huỳnh Xuân Sơn cảm nhận bài thơ Đêm Kinh Bắc của nhà thơ Thiên Thu



Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Kinh Bắc, tôi luôn bị cuốn hút bởi những vần thơ viết về nơi ấy. Một thời say mê với “những cô hàng xén răng đen. Cười như mùa thu toả nắng…”. Đôi lúc còn lãng đãng thương mấy chàng trai phải đi tìm cái bùa yêu “lá riêu bông” ….Của thi sĩ Hoàng Cầm.

Tình đất , tình người vùng đất Kinh Bắc thì không giấy bút nào tả hết. Chỉ riêng làn điệu dân ca Quan Họ Bắc Ninh ngọt ngào, tha thướt, khi các liền anh, liền chị cất lên đã đủ làm say mê biết bao lữ khách thập phương.

Một trong số những “Quan Họ” ấy, là nhà thơ Thiên Thu. Dọc đường thiên lý đã bị lời ca “người ơi người ở đừng về…Người về em chẳng cho về…”níu chân một đêm nơi vùng đất quê tôi. Rồi sau đó tác giả đã có một Đêm Kinh Bắc như một lời gan ruột gửi vào ý thơ:


Đêm Kinh Bắc

Chiều chén giã từ ở Lạng Sơn

Xuôi về Kinh Bắc khuất hoàng hôn

Lưng ong em uốn làn Quan Họ

Rớt xuống hồn ta nốt nhạc buồn (Thiên Thu)



Bài thơ tứ tuyệt với hai mươi tám từ. Được nhà thơ viết khi anh đi công tác ở điểm đầu của Trường Ca Con Đường Cái Quan. Việc công, việc tư nơi mảnh đất địa đầu tổ quốc đã xong. Buổi chiều ấy tác giả đã có một “chén giã từ” để chia tay Xứ Lạng. Xuôi về Hà Nội theo đúng lịch trình….

Đường dài “lắm mộng…” hoặc do địa lý cách xa Lạng Sơn - Hà Nội gần hai trăm km nên nhà thơ đã dừng lại nơi quê hương Quan Họ…

Xuôi về Kinh Bắc khuất hoàng hôn. Một câu thơ nếu nhìn theo góc độ tả thực thì đúng là buổi chiều sau khi nâng “chén giã từ” rồi “Ra đi từ ải Nam Quan”*, bỏ lại sau lưng “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa. Có nàng Tô Thị đứng chờ đợi ai?”*. Vượt qua cửa “Ải Chi Lăng”*. Tâm tình lữ khách Thiên Thu có lẽ cũng “ Người về miền xuôi đem theo tình người miền núi”*.Ngồi trong xe bon bon làm sao lại không mơ màng theo “Nhà sàn lả lơi đứng bên đường hoang vắng soi”*.

Trời về chiều, vùng trung du Bắc Bộ hoàng hôn xuống rất nhanh. Khi qua Sông Thương hẳn nhà thơ nghe được câu hò, lời hát gọi mời. Nhưng vẫn đủ tỉnh táo cất lời đối đáp mà rằng :“Sông Thương ơi nước chảy đôi ba dòng. Anh về Hà Nội một lòng yêu em…Anh về thành phố không quên cô mình.”*

Vượt qua con sông Thương với nhiều tâm tình của người miền núi cũng là lúc hoàng hôn buông xuống. Ánh nắng nồng nàn của trời chiều xứ Kinh Bắc cũng vừa kịp tắt…Màn đêm hư ảo mênh mang buông rèm …có lẽ đã níu tâm hồn nhà thơ…

Xe vẫn bon bon mang theo nỗi mơ màng …Và, “Khuất hoàng hôn”phải chăng nhà thơ muốn nói đã quên đi buổi hoàng hôn của đời mình. Ý thơ này thật khó tìm câu trả lời. Đành nhờ tác giả thôi…

Xuôi về Hà Nội…nhưng đến Kinh Bắc thì “Khuất hoàng hôn”! trời tối thì đã hẳn là khuất hoàng hôn. Nhưng câu thơ tiếp nối thì rõ ràng dẫn người đọc theo hướng nhà thơ đã quên đi buổi hoàng hôn của mình vì “Lưng ong em uốn làn Quan Họ”. Không biết khi nhà thơ dừng chân lại nơi đây các Liền chị xứ Quan Họ đã hát làn điệu nào? trong ba mươi sáu làn điệu dân ca.. để cho nhà thơ của chúng ta cảm rằng: Mấy dải yếm đào trong tà áo tứ thân kia uốn làn Quan Họ ấy. Chứ chẳng phải giọng hát mềm mại của các liền chị, liền anh đang ngọt ngào “Mời Trầu”

Gặp chàng dưới ánh trăng thanh

Xin mời ăn miếng trầu xanh thắm nồng

Trầu xanh cau trắng tình hồng

Đẹp duyên phải phận tình hồng mới xe………

Ăn một miếng trầu gặp đây. ..không ăn cầm lấy cho nhau bằng lòng..”**(Quan Họ mời trầu).

Nghe thế làm sao từ chối đây?…Nhận miếng trầu têm cánh phượng…Có lẽ trong thâm tâm cũng muốn từ biệt…Nhưng rồi những tấm “ lưng ong em uốn” mãi: “người ơi! người ở đừng về…người về em chẳng cho về…”**.

Chàng lãng tử xứ Nẫu lúc này làm sao còn nghĩ được Hà Nội đang chờ mình…

“Đêm năm canh tang tính tình tang”là chàng là chàng lãng tử ơi! Có vui đến mấy..có níu đến mấy thì cũng phải đến lúc “Quan Họ giã bạn”.. Dẫu cho nhà thơ bây giờ có muốn “người về tôi chẳng cho về” thì cũng phải cầm lòng mà nghe: “ Em về ..em vẫn..khóc thầm.. đôi bên là bên vạt áo.. ướt đầm như mưa…người ơi người ở em về… .”**. Nhà thơ của chúng ta nghe xong Quan Họ Giã Bạn và đã biết “Trăm năm chỉ có một ngày…cầm lòng vậy rầu lòng vậy..”**

Hoàng hôn khuất bao lâu đi nữa, thì cũng phải đến lúc hừng đông đến, mang theo ánh nắng bình minh rạng rỡ..Chia tay liền anh, liền chị ..chia tay vùng đất Kinh Bắc. Nhà thơ Thiên Thu của chúng ta tiễn Đêm Kinh Bắc đi qua bằng câu thơ kết “Rớt xuống hồn ta nốt nhạc buồn”.

Nốt nhạc trong làn điệu Quan Họ Giã Bạn hẳn đọng lại trong bất cứ ai nghe một sự lưu luyến bịn rịn chia tay, một chút man mác buồn. Nhà thơ Thiên Thu dùng động từ Rớt xuống… nào phải rớt xuống hồn ta nỗi nhớ nhung, khi cầm lòng chia tay đã đành. Ở đây rớt xuống “nốt nhạc buồn”…

Phải chăng mới Khuất hoàng hôn đó, giờ đây lại thấy áng mây hoàng hôn tím thẫm, buông trước ánh nắng bình minh, của buổi sáng sau Đêm Kinh Bắc. Một nỗi buồn mênh mang gửi theo sợi tóc phai trên mái đầu của một lãng tử phong lưu dáng chiều vừa đổ..



· *lời trong Trường ca con đường cái quan của cố nhạc sĩ Phạm Duy

· ** Lời ca trong các làn điệu dân ca Quan Họ Bắc Ninh.

·

Sài Gòn 15/6/2014

Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét