Thứ Hai, 1 tháng 8, 2016
Những giọt Tình Vẽ nên chân dung Nhà thơ Trần Xuân Khóa cựu giáo sinh K8- SPQN
“Đúng là "năng tương ngộ". Cách đây mười năm những "giọt thơ" này được Giao Hưởng giới thiệu trên báo Thanh Niên mình cũng được đón nhận cảm giác tràn ngập niềm vui !Về đời tư, "thuở còn thơ" mình rất dốt môn văn và mê toán học, đi thi tú tài chỉ chọn 3 môn Toán , Lý và ngoại ngữ để đủ điểm đậu. Khi vào trường Sư phạm mình mới tập viết được những câu tiếng Việt "nghiêm chỉnh" và cũng chính tại nơi này mình bắt đầu ham mê đọc sách và ra trường tiếp tục học văn chương tại Đại học văn khoa…”
Đoạn trích lời Comment trên của tác giả tập thơ Giọt Mưa Ngâu, đã khiến tôi mở tập thơ ra và đi tìm hình ảnh Trần Xuân Khóa, người thơ, người chồng, người cha bên cạnh cuộc đời làm Thầy trong tập thơ này.
Với nghiệp làm thầy, tác giả gần bốn mươi năm qua đã miệt mài chèo đò. Ông đã đưa những ánh mắt trẻ thơ trong veo buổi đầu đến lớp, Ông đã đưa nhưng cô bé cậu bé tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, rồi tới những cô cậu sang sông bằng đò thầy được xếp “..Thứ ba”…Và những năm sau này con đò tri thức lại chở những cô cậu sinh viên vừa trải qua ngã rẽ đầu đời…Niềm yêu nghề, giữ nghiệp và được trưởng thành từ cái nôi Sư Phạm Quy Nhơn với “đạo đức, mực thước, khuôn mẫu” người thầy đã được ông giữ đúng theo “Luân lý chức nghiệp” mà các thầy cô đã truyền thụ cho.
Cả cuộc đời làm thầy, cho tới lúc nghỉ hưu của tác giả, có lẽ để có được những đồng cảm của trò với thầy như bài thơ Đồng Cảm không phải ai cũng có được:
“Thầy giáo già lên lớp
Tay cầm phấn run run
Nói từng lời rời rạc
Trông thầy thương vô cùng
Hôm nay thầy đến lớp
Chia tay cùng chúng em…” (trích Đồng Cảm)
Nếu chỉ có thế thì bất kỳ thầy cô nào, trong xã hội nào, ta cũng có thể bắt gặp.
Nhưng ở đây thì không chỉ có bấy nhiêu:
“…Bước xuống rồi bước lên
Thầy nói gì chẳng biết
Nói rồi thầy lại quên” (trích Đồng Cảm)
Cả mấy chục năm làm thầy, cảnh này có lẽ chưa có với cá nhân thầy. Còn học trò trước buổi chia tay thầy thì sao?
Chắc là thầy trò họ đã có những đồng cảm không chỉ trong việc truyền thụ tri thức, mà còn trong cuộc sống hàng ngày..Và rồi từ sự thấu hiểu ấy, học trò đã cất lên lời
“…Thầy ơi đừng nói nữa
Chúng em đã tạc lòng
Những điều thầy răn dạy
………….
Thầy ơi! Xin dừng bước
Hãy yên lòng nghỉ ngơi
Chúng em còn nhớ mãi
Bài học của tình người.(trích Đồng Cảm).
Sáu mươi năm tuổi đời cho tới lúc ấy, bốn mươi năm tuổi nghề, có được những đồng cảm như thế của học trò. Hỏi còn hạnh phúc nào hơn nữa với nghiệp làm thầy …
Mới hay, mới hiểu tại sao khi rời xa bục giảng xa học trò, Thầy giáo, nhà thơ Trần Xuân Khóa lại có những Suy Tư dù chỉ Một Thoáng
Mình không nhớ mấy chuyến đò
Đà đưa lớp lớp học trò sang sông
Chiều chiều ra bến đứng trông
Chỉ còn mình với dòng sông đợi chờ (Một Thoáng Suy Tư).
Về hưu với phần đông là được nghỉ ngơi, được thoải mái làm những gì mình yêu thích mà tuổi trẻ còn bị những lo toan đời thường ràng buộc hoặc giả công việc choán hết thời gian. Với Thầy giáo Trần Xuân Khóa thì lại không phải thế.
Quay ngược bánh xe thời gian để trở lại thời gian cách nay khoảng hơn ba mươi năm…Khi ấy thầy giáo nhà thơ Trần Xuân Khóa vừa trải qua khúc rẽ quan trọng “Tam thập nhi lập” một quãng nhà thơ mới lập gia đình, Thầy giáo nhà thơ sánh vai cùng cô giáo mầm non cất tiếng ca hạnh phúc ngọt ngào:
Tình yêu đã vẹn câu thề
Từ đây một cõi đi về cùng nhau
Mong sao ý hợp tâm đầu
Trọn đời xin giữ vẹn màu thủy chung (Chuyện Trăm Năm).
Những ngày tràn ngập yêu thương sau đó, cây tình yêu đã kết trái. Họ có với nhau ba mặt con một trai hai gái xinh xắn…Những tưởng những ngày nhìn trời thấy mây hồng bay, nhìn cây thấy hoa nở, nhìn chim thấy chúng cất tiếng hót ấy sẽ kéo dài mãi mãi cùng những vần thơ như lời trái tim cất tiếng hoan ca:
Ngắt một đóa hồng
Gửi qua cửa sổ
Nhờ hoa nói hộ
Rằng ta đang yêu (trích Khúc Hát Dâng Đời)
Nhưng, “đời ai học hết chữ ngờ” cho dù là Thầy giáo đi chăng nữa, có lẽ chưa bao giờ ông lại nghĩ mình học hết cái chữ Ngờ ấy. khi chưa kịp tới “năm mươi tuổi biết được mệnh trời” thì bỗng một ngày:
Vài bữa nữa thôi em sẽ đi
Tình em anh hiểu chẳng ngờ chi
Gắng lên, việc nhỏ đừng lưu luyến
Chí lớn, thời gian có nghĩa gì (Dặn Dò)
Và rồi chẳng bao lâu sau thì ông đã phải nghẹn ngào mà nói với các con , đứa nhỏ nhất mới 7 tháng tuổi rằng:
Mẹ con bạc phận lìa đời
Để ba lòng dạ rối bời ngổn ngang
Bao nhiêu công việc dở dang
Bon chen danh lợi mơ màng mà chi
Đời ba nào có nghĩa gì
Nếu không phải sống chỉ vì các con
Mai này khi đã lớn khôn
Các con sẽ hiểu nỗi lòng người cha (Nói Với Con)
Hai mươi lăm lăm qua kể từ lúc tiễn biệt người yêu thương về với đất. Ông vừa làm cha vừa làm mẹ, không biết bao lần ông đã ngồi “đối thoại” với cái bóng của chính mình:
Ta ngồi đối thoại với mình
Nỗi riêng nào biết tâm tình cùng ai
Một người đóng cả hai vai
Diễn cho trọn vở bi hài nhân gian ( Độc Thoại)
Cũng may suốt khoảng thời gian dài đằng đẳng ấy, ông còn có những người bạn bên mình
Khi đời đã ngả về chiều
Thì long người cũng ít nhiều đổi thay
Bao nhiêu tâm sự tràn đầy
Muốn cùng bè bạn giãi bày cho vơi! (Tâm Tư Chiều)
Và đôi khi không biết tỏ bày nỗi niềm cùng ai, ông đã chia sẻ cùng thơ và có lúc phải mượn đến cả Chí Phèo của Nam Cao mà giãi bày uẩn ức
Sống lay lắt giữa đời
Chẳng còn gì để mất
Chỉ khát khao duy nhất
Được làm một con người…
…………..
Cần chi nữa những lời ân ái
Khi gần em ta đâu khờ dại
Ta yêu em, ta tồn tại trên đời ( Tâm Sự Chí Phèo).
Hay nhiều lúc hụt hẫng, chơi vơi trong nỗi cô đơn, ai cũng biết tên nỗi niềm ấy, chỉ có riêng ông không biết gọi tên là gì đành viết Vô Đề
Em đến mùa xuân đến
Em đi lá thu đi
Đời anh khô héo còn gì? (Vô Đề)
Sống trên cao nguyên đất đỏ thuộc Vương Quốc cà phê, Thành phố Buôn ma Thuột nên ta sẽ không ngạc nhiên, khi tâm tư ông đôi khi gửi vào từng giọt nước mang màu Hổ Phách thánh thót rơi..Chúng như đếm nỗi buồn cô đơn của chính người ngồi đếm nó
Tôi ngồi uống cà phê phin
Pha bằng ly thủy tinh
Để nhìn
Từng giọt
Từng giọt
Rơi….
Giết thời gian
Quên sự đời
…………………
Tôi nghe vị ngọt đầu môi
Tan thành vị đắng tận nơi đáy lòng
Trời mênh mông
Đất mênh mông
Tìm em ở chốn hư không – Tôi tìm…. (Bên Ly Cà Phê)
Người yêu thương ấy, người đầu ấp tay gối ấy.. Một thời bên ông và đã mãi mãi xa ông. Trong trái tim ông đã cảm nhận rồi ôm ấp rằng: “Đời em buồn như tiểu thuyết”. Cuốn tiểu thuyết ấy sẽ bên ông và cùng ông suốt mấy chục năm qua để rồi ông đã “Gom những ngọt ngào cay đắng./ Thành những bài thơ” (trích Thơ Ca).
Bao giờ, bao ngày, bao tháng, bao năm qua ông vẫn ôm ấp và đi tìm những hồi ức của những ngày hạnh phúc ấy. Thật khó bởi :Tìm đâu để thấy nữa đây? Thôi thì:
Khi hoàng hôn buông xuống cuộc đời
Nắng hiu hắt rồi trời dần u tối
Nếu còn chút lửa hồng le lói
Hãy thắp lên để đợi lúc trăng về (Đốm Lửa Hồng)
Và cuối cùng thì ông cũng tìm được nơi có thể thấy bóng hình, thấy người yêu thương của mình đang “Rong chơi cuối trời”.
Chiều bâng khuâng anh đứng ngắm mây trời
Ở nơi ấy chắc em buồn biết mấy
Mây cũng buồn thánh thót giọt mưa rơi
Thôi cũng đành chấp nhận vậy người ơi!
Ta trong nhau nhưng vẫn mãi đi tìm (Giọt Mưa Ngâu)
Tập thơ Giọt Mưa Ngâu với những bài thơ tình chắt lọc ngôn từ, ý thơ sâu sắc, lời thơ ngắn gọn, súc tích. Ghi lại những dấu ấn trong cuộc đời,của thầy giáo nhà thơ Trần Xuân Khóa. Mỗi câu thơ như những giọt tình được chắt gạn từ những cơn mưa mùa mưa tháng bảy ghi lại. Có giọt tình của nghiệp thầy giữ trọn vẹn “khuôn mẫu mực thước”, Có giọt mang niềm vui , vài giọt chuyên chở cây hạnh phúc đã nở hoa vừa kịp kết trái…Còn lại là những Giọt tình chất nặng trên chuyến đò của tâm tư nặng trĩu nỗi sầu thương nhớ, những trăn trở suy tư, và đôi khi có sự bế tắc trong cuộc sống đời thường…Tất cả, tất cả những giọt mưa ấy, trên những chuyến đò không xuất phát từ một nơi nhưng cuối cùng đã cập bến Thơ mang tên Giọt Mưa Ngâu…
Dòng chảy của những giọt tình xuyên suốt tập thơ, cũng như một quãng đời nhiều ghềnh thác, của thầy giáo nhà thơ Trần Xuân Khóa, viết về nhiều mảng đề tài khác nữa..Nhưng trong khuôn khổ bài viết này, người viết muốn mượn chính những vần thơ của tác giả. để khắc họa nên bức chân dung mang tên Trần Xuân Khóa…
Sài Gòn 5/12/2014
Huỳnh Xuân Sơn
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét