Thứ Hai, 1 tháng 8, 2016
Cảm Nhận Bài Thơ Phương Tiện Thiện Xảo của Tác Giả Đàm Khánh Hỷ
Tôi đã từng biết đến Phương Tiện Thiện Xảo trong Kinh Pháp Hoa của Phật Giáo Đại Thừa. nhưng thật ngạc nhiên, hôm nay tôi lại bắt gặp Phương Tiện Thiện Xảo trong một câu chuyện bằng hình ảnh răn dạy con, thông qua ngôn ngữ thơ ca của tác giả Đàm Khánh Hỷ.
Phương Tiện Thiện Xảo
Đường đi hun hút
Chiều xuống làng xa
Một người đàn bà
Trên vai quang gánh
Bé ngồi trong thúng
Đôi mắt tròn xoe
Đầu thúng bên kia
Vài hòn đá cuội
Con đi không nổi
Mẹ đặt thăng bằng
Mẹ đã gánh con
Gánh luôn sỏi đá
Khi về đến nhà
Mẹ bồng con ra
Con là con mẹ
Mẹ thương con quá
Những hòn đá cuội
Tuy không biết nói
Cũng về tới nhà
Cùng mẹ con ta
Trước khi trời tối
Nhớ điều mẹ nói
Khi con lớn khôn
Phải có tình thương
Đừng quên sỏi đá –(Đàm Khánh Hỷ)
Thiện Xảo này không phải là Phương Tiện giáo hóa của Chư Phật. Mà nó có thể là Phương Tiện thiện nghệ mà người mẹ dùng để Gánh.Dẫu vậy thì với một tựa đề đầy tính ẩn dụ như thế tôi rất tò mò muốn biết tại sao lại là: Phương Tiện Thiện Xảo?
Đường đi hun hút
Chiều xuống làng xa
Một người đàn bà
Trên vai quang gánh
Hình ảnh người đàn bà gánh đôi quang gánh trên vai hối hả trở về nhà, mà ta rất dễ bắt gặp ở những con đường đê, đường làng ngày xưa, cũng không xa lắm đâu, khoảng những năm 90 của thế kỷ trước vẫn còn rất nhiều."Đường đi hun hút. Chiều xuống làng xa." Đọc lên ta thấy nao nao khi nó đi liền với hình ảnh người phụ nữ quảy gánh trên vai. Đặc biệt là hình ảnh trong đôi quang gánh ấy:
Bé ngồi trong thúng
Đôi mắt tròn xoe
Đầu thúng bên kia
Vài hòn đá cuội
Người đàn bà quảy gánh trên vai, đã gánh đứa Bé có “Đôi mắt tròn xoe” một hình ảnh, một tâm hồn trẻ thơ trong veo. Đối lập với hình ảnh ấy là vài hòn đá cuội vô tri, vô giác và thô ráp ở đầu thúng bên kia. Hai hình ảnh đối nghịch nhau tạo sự cân bằng trên đôi quanh gánh, nó song hành với nhau trên “Đường về hun hút” đè sức nặng lên đôi vai người Gánh. Tại sao lại có đôi quang gánh trên vai ấy tác giả đã giải thích cho ta thấy ngay:
Con đi không nổi
Mẹ đặt thăng bằng
Mẹ đã gánh con
Gánh luôn sỏi đá
Một khổ thơ tả thực về việc người mẹ gánh con và lấy sỏi đá làm đối trọng vì “Con đi không nổi”, thật đơn giản
Nhưng, với cuộc sống đời thường, thì lại không đơn giản là khi ta cần gì ta mang về thứ ấy, những việc khác, vật khác không có giá trị thì ta loại bỏ.
Cũng như quanh ta, đâu phải cứ ta hợp ai, ta thích ai thì ta đến với họ,còn không cần biết đến xung quanh ta.
Hoặc giả ta sống trong một xã hội thì phải chấp nhận có kẻ xấu, có người tốt.Nó như hai cực đối lập nhau, nhưng luôn song hành và tạo cân bằng cho cuộc sống.
Mọi sự chỉ đổi thay và phân biệt rõ rệt khi về tới nhà:
Khi về đến nhà
Mẹ bồng con ra
Con là con mẹ
Mẹ thương con quá
Những hòn đá cuội
Tuy không biết nói
Cũng về tới nhà
Cùng mẹ con ta
Trước khi trời tối
Hai khổ thơ này tạo ra rõ nét hình ảnh vật thể vô tri là đá sỏi và con của mẹ, đã được tách rời phân chia rõ ràng. Một bên là “con mẹ” và một bên là những hòn đá cuội”. Về nhà thì tình cảm của người mẹ mới bộc lộ rõ qua việc “bồng con ra”. Nhưng vẫn không quên nói với con về những “hòn đá cuội. Tuy không biết nói”.Cũng đã theo hai mẹ con về tới nhà rồi.
Sự phân chia sau khi về đến nhà đã rõ. Nhưng khổ kết lại mở ra một khía cạnh khác:
Nhớ điều mẹ nói
Khi con lớn khôn
Phải có tình thương
Đừng quên sỏi đá
Tại sao Mẹ không dặn con khi lớn đừng quên công khó của mẹ hôm nay đã gánh con về, hoặc giả căn dặn con những gì khác lớn lao hơn, mà lại dặn con: “Phải có tình thương. Đừng quên sỏi đá.” Sỏi đá là gì mà quan trọng thế? Khi suốt cuộc hành trình tác giả luôn coi Sỏi đá là vật vô tri vô giác dùng làm cân bằng và nó cũng chẳng biết nói năng gì, nhưng vẫn cùng mẹ con ta về đến nhà. Phải chăng sỏi đá lúc này đã là “Phương Tiện Thiện Xảo” mà người mẹ dùng để đưa con tới “ khôn lớn”. Và để nuôi con khôn lớn thì người mẹ sẽ không phải mang theo sỏi đá một lần, mà có lẽ sẽ rất nhiều lần nữa.Người mẹ hiểu được sỏi đá và con là luôn song hành như cực âm và cực dương vậy trong âm có dương và ngược lại nó tồn tại nó trong nhau và sẽ gặp nhau ở “Vô cực”.
Cám ơn Tác Giả Đàm Khánh Hỷ với bài thơ:Phương Tiện Thiện Xảo đã cho tôi có cảm xúc viết bài cảm nhận này. Tôi tin chắc rằng với vốn sống và sự hiểu biết còn hạn chế của mình tôi chưa thể hiểu hết những ẩn ý sâu xa của tác giả và những điều ông muốn gửi gắm qua bài thơ này. Nhưng với tấm lòng của bạn đọc yêu thơ, tôi đã giành tất cả tình cảm của mình cho bài thơ mà tôi cảm mến.
Sài Gòn 27/10/2013
Huỳnh Xuân sơn
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét