Thứ Ba, 2 tháng 8, 2016
Huỳnh Xuân Sơn Cảm Nhận Bài Thơ Tựa Của Tác Giả Trần Cự
Tôi chưa biết tác giả Trần Cự, mới chỉ được đọc chùm thơ tiêu biểu của ông trên Tho.com.vn. Trong đó có bài thơ với chỉ một chữ Tựa làm tiêu đề cho bài thơ ! Nhưng khi đọc xong thì đối nghịch với tựa đề ngắn là một ý thơ tình thơ mênh mông và trĩu nặng. Dù chưa biết nhiều về thơ ông song tôi vẫn muốn đồng hành cùng với:
Tựa
Giàu sang tựa mạn thuyền rồng
Khổ nghèo tựa lấy dòng sông kéo chài
Tiếng gà tựa ráng hồng mai
Đêm sâu tựa lấy hương nhài thoảng bay
Rét đông tựa gió heo may
Nỗi buồn tựa chén rượu cay lạnh lùng!
Riêng em biết tựa đâu cùng
Lẻ loi, đơn chiếc xuân hồng phôi pha.
Chênh vênh một buổi chiều tà
Giữa cô đơn bỗng nhận ra chính mình
Vấn vương bởi một chữ tình
Quyết không dứt bỏ tựa mình vươn lên.(Trần Cự)
Bài thơ được viết theo thể thơ lục bát với mười hai câu thơ nhưng có tới tám từ Tựa đã nói lên rất nhiều điều trong mỗi con người và trong xã hội hôm nay.
Giàu sang tựa mạn thuyền rồng / Khổ nghèo tựa lấy dòng sông kéo chài
Đọc hai câu đầu thôi tôi nghĩ ngay đến câu
Con vua thì lại làm vua
Con sãi ở chùa ra quét lá đa.(ca dao)
Người giàu (bao gồm cả giàu của cải và giàu tình cảm) trong xã hội hiện tại họ có điểm tựa vững vàng cho cuộc sống, hình ảnh “thuyền rồng” làm điểm tựa cho họ vươn lên, vươn cao và vững chắc.
Còn tầng lớp đối lập với họ là những người “nghèo khổ” thì “tựa lấy dòng sông kéo chài”. Câu thơ này ngụ ý đại diện cho một tầng lớp người lao động nghèo. Chăm chỉ làm lụng đêm ngày may mắn cũng chỉ đủ ăn từng bữa, con cái họ nhiều khi thất học vì cha mẹ lo miếng ăn chưa đủ làm sao nghĩ tới chuyện học hành cho con.
ở đây còn có thêm ý nghĩa gần hơn,là răn dạy con cháu phải biết tùy theo hoàn cảnh gia đình mà sống sao cho phù hợp. Tránh cảnh cha mẹ làm thuê làm mướn chắt chiu từng đồng nuôi con ăn học, con thì lêu lổng đầu tóc nhuộm xanh, nhuộm đỏ, chơi game và đua đòi theo chúng bạn con nhà giàu có.
Và với bốn câu kế tiếp:
Tiếng gà tựa ráng hồng mai / Đêm sâu tựa lấy hương nhài thoảng bay / Rét đông tựa gió heo may /Nỗi buồn tựa chén rượu cay lạnh lùng!
Mỗi một sự việc hay sự vật đều có điểm tựa của mình, tuy không là tất cả, bởi gà nhiều khi cũng gáy ban trưa, điểm “tựa ráng hồng ban mai” sẽ không còn và trở nên lạc lõng.”Đêm sâu” cũng vậy đâu chỉ có thể tựa vào “hương nhài thoảng bay” và “rét đông”lại càng không thể chỉ lấy “gió heo may” làm điểm tựa cho cả mùa. Còn “nỗi buồn” mà mang tựa hoài vào “chén rượu cay lạnh lùng” thì cũng chỉ là điểm tựa trong lúc say mà thôi! Tỉnh rượu thì sao đây?
Bốn câu thơ này, tác giả đưa ra bốn điểm tựa mang tính tượng trưng cho từng chỗ đứng cụ thể để mà tựa những lúc nhất định nào đó, chứ không thể là điểm tựa chắc chắn được. Ẩn ý sâu xa mà tác giả muốn gửi gắm qua những: “Tiếng gà”, “Đêm sâu”, “Rét đông”, “nỗi buồn” mà lại cần “Tựa” là sao nhỉ, và các điểm Tựa này không phải là cần thiết và duy nhất. Nó là những điểm tựa mông lung. Xin mang theo câu hỏi này vào những câu thơ tiếp:
Riêng em biết tựa đâu cùng / Lẻ loi, đơn chiếc xuân hồng phôi pha.
Hé mở giải đáp cho câu hỏi thắc mắc một chút, bắt đầu bằng những điểm tựa chắc chắn và duy nhất, nếu tựa vô sẽ vững vàng mà tiến tới, rồi những điểm tựa mông lung và bây giờ là “Riêng em” thì đang “lẻ loi, đơn chiếc” và “xuân hồng” thì đã “phôi pha” rồi nhưng vẫn không “biết tựa đâu cùng” dù là điểm tựa mông lung như “đêm sâu tựa lấy hương nhài thoảng bay” cũng không! Để giờ đây xuân sắc tàn phai mới thấy:
Chênh vênh một buổi chiều tà / Giữa cô đơn bỗng nhận ra chính mình / Vấn vương bởi một chữ tình /Quyết không dứt bỏ tựa mình vươn lên.
Em đã không có một chỗ tựa giữa lúc cô đơn ở buổi “chiều tà”. Bây giờ mới nhận ra sự “chênh vênh”bởi em đã “vấn vương bởi một chữ tình”.
Câu kết thể hiện một sự dứt khoát “quyết không dứt bỏ” tại sao lại phải dứt bỏ “chữ tình” mà mình “vấn vương” thì tác giả không giải thích. Chỉ biết là nếu đã “quyết” vậy thì chỉ có “tựa mình” để mà “vươn lên” thôi!
Có lẽ giờ đây Em trong bài thơ Tựa của tác giả chỉ còn cách duy nhất là tựa vô chính mình để mà vươn lên thoát khỏi “chênh vênh” thoát khỏi “cô đơn” và không còn phải “vấn vương” tìm những điểm tựa mà vốn nó không thuộc về em, mà em đã mất công tìm kiếm bao năm qua để bây giờ khi mà “xuân hồng phôi pha”, mới chợt nhận ra nó không tồn tại cho em!
"Mình" ở đây cho em Tựa có thể là “thuyền rồng” sang trọng quyền quý, là “dòng sông” với nghề “kéo chài” làm kế sinh nhai Và mình ở đây sẽ có đủ cả “đêm sâu…” , “Rét đông…” “nỗi buồn…” và rất nhiều những điểm tựa vô hình thuộc về em sẽ đến!
Bài thơ Tựa đã cho ta một thông điệp rất rõ ràng: không có điểm tựa nào là lý tưởng cho từng con người cụ thể vào những công việc và thời gian cụ thể, mà người muốn tựa được thành công cả. Chỉ có ta Tựa vào chính ta, với thực lực mà ta có dẫu sang giầu hay nghèo khó, nếu biết tự lực cánh sinh thì ta sẽ có điểm tựa vững chắc cho chính ta vươn lên.
Dù là công danh sự nghiệp hay là tình cảm cũng cần thông điệp mà tác giả Trần Cự gửi gắm qua bài thơ Tựa.
Sài Gòn 4/12/2013
Huỳnh Xuân Sơn
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét