Thứ Ba, 2 tháng 8, 2016
Huỳnh Xuân Sơn Cảm Nhận Bài Thơ Bóng Chim Tăm Cá Của Tác Giả Nguyễn Đình Nhữ
Thu là mùa mà những đôi lứa yêu nhau hẹn hò nhiều nhất. Thu là mùa của yêu thương hạnh phúc, nhưng thu cũng là mùa mà người ta hay ngược dòng về với những kỷ niệm lưu dấu trong trái tim họ nhiều hơn bất cứ mùa nào trong năm.
Mùa Thu đã lặng lẽ chia tay, không ồn ào, không dạt dào như khi nó đến. Nhưng tôi muốn nhắc tới Thu ở đây vì tôi đang đọc bài thơ của tác giả Nguyễn Đình Nhữ :
Bóng Chim tăm Cá
Đã mấy thu về không gặp nhau
Trái tim khô héo dạ thêm sầu
Núi sông cách trở người đôi ngả
Nỗi nhớ hai đầu mãi quặn đau
Đợi cả bốn mùa trong một năm
Mong người bên ấy ghé sang thăm
Bóng chim tăm cá nào đâu thấy
Muôn nẻo đường tình vẫn biệt tăm
Nghe tiếng thân quen chẳng thấy người
Dịu dàng ánh mắt, nụ cười tươi
Đâu đây thơm thoảng hương lan tỏa
Mà vẫn xa xôi, cách biển trời
Mong là mong vậy đó mà thôi
Tình cũ ngày xưa đã hết rồi
Người đi êm ấm trong nhung lụa
Cho đời đơn lẻ- một mình tôi. (Nguyễn Đình Nhữ)
Một bài thơ tình được tác giả viết theo thể thơ 7 chữ. Câu từ gần gũi thân quen. Với một nhịp thơ 2/2/3. Khi đọc xong cả bài thơ, tình thơ ý thơ vương vấn trong lòng người đọc, rõ ràng qua những cung bậc cảm xúc buồn vui cùng tác giả.
Mở đầu bài thơ tác giả đưa ta trở về cột mốc mà có lẽ từ đây tác giả bắt đầu “trái tim khô héo” và “dạ thêm sầu”:
Đã mấy thu về không gặp nhau. / Trái tim khô héo dạ thêm sầu. / Núi sông cách trở người đôi ngả. /Nỗi nhớ hai đầu mãi quặn đau.
Lại cũng là mùa thu tại sao không là mùa đông nhỉ? tác giả không nói mình đi đâu? Chỉ biết là “mấy thu về” thì “không gặp nhau”. Chính từ cột mốc mà ngày “về không gặp nhau” này. Làm cho tác giả phải “người đôi ngả” , bởi “núi sông cách trở”. Cũng từ đây thêm một nỗi nhớ nữa xuất hiện ở “hai đầu” mà có lẽ là “hai đầu cách trở” . Nên nỗi nhớ này không còn là nỗi nhớ niềm thương yêu nữa, mà nó trở thành nỗi nhớ “quặn đau” .
Bài thơ được tác giả viết tiếp:
Đợi cả bốn mùa trong một năm. / Mong người bên ấy ghé sang thăm. / Bóng chim tăm cá nào đâu thấy. / Muôn nẻo đường tình vẫn biệt tăm
Ngày “về không gặp” bởi “cách trở núi sông” và biết là ở hai đầu nỗi nhớ ấy có hai trái tim “quặn đau” Nên tác giả đã chờ đợi. mà tại sao lại phải chờ đợi trong nỗi nhớ quặn đau để “mong người bên ấy sang thăm”nhỉ? tại sao tác giả không tự tìm sang thăm? Mình là nam nhi mà sao lại chờ người ấy vượt “cách trở sông núi” để sang thăm mình? ở đây có một uẩn khúc mà tác giả không nói rõ ra.
Ta thử đi tìm lời giải nhé! Khả năng nhiều nhất là “cách trở núi sông” kia chính là từ phía gia đình “người bên ấy” khiến chỉ có thể “người bên ấy” tìm đến ông chứ ông không thể làm một Romeo để mà trèo tường thăm nàng nơi ban công nhà nàng mỗi đêm được.
Khả năng thứ hai là vì hoàn cảnh hoặc công việc trong khi khoảng cách địa lý xa nên ông không thể đến, còn “người bên ấy” thì ngại “cọc đi tìm trâu”.khả năng này ít xảy ra hơn !
Có lẽ là Romeo ông và Juliet “người bên ấy”, đã không thể vượt qua được “cách trở núi sông” bởi ông chính là ông, và “người bên ấy” mãi là “người bên ấy”. Nên xuất hiện “bóng chim tăm cá nào đâu thấy” có nghĩa mất luôn cả tin tức về nhau, nên mới có câu “muôn nẻo đường tình vẫn biệt tăm”.
Đây là khổ thơ làm điểm nhấn cho cả bài thơ của ông và cũng là khổ thơ buồn nhất cho tác giả, bởi ông đã chờ đợi suốt bốn mùa và kết quả là một chút tin tức ít ỏi cũng “biệt tăm”.
Bài thơ vẫn còn nối tiếp với:
Nghe tiếng thân quen chẳng thấy người ./ Dịu dàng ánh mắt, nụ cười tươi./ Đâu đây thơm thoảng hương lan tỏa./ Mà vẫn xa xôi, cách biển trời
Ông không nói là bao lâu sau cái ngày mà ông chờ đợi rồi nghĩ “muôn nẻo đường tình vẫn biệt tăm” ấy thì ông được “nghe tiếng nói thân quen”.Mà chỉ là nghe thôi chứ “chẳng thấy người”.
Một câu thơ này thôi nảy sinh trong tôi quá nhiều câu hỏi? Tác giả năm nay đã ngoài bảy mươi tuổi vậy thì ông đã chờ đợi bao lâu từ lúc biệt tăm ấy để mà tới lúc có Phương tiện thông tin hiện đại, để ông có thể nghe thấy tiếng mà chẳng thấy người ấy.
Nỗi nhớ quặn đau ngày ấy để lại dấu ân trong ông chắc hẳn đến mấy chục năm sau ông mới có dịp “nghe thấy tiếng” mà vẫn thấy “thân quen’” để rồi trong tâm hồn và trái tim ông hình ảnh tình người xưa trỗi dậy, làm một cuộc “nổi loạn” trong ít phút giây, ông vẫn cảm thấy “ánh mắt” rồi “nụ cười” và cả mùi hương “lan tỏa”…để rồi chợt tỉnh thức và thấy “vẫn xa xôi” và “cách biển trời”.
Sự đời vẫn cứ trớ trêu người ta như vậy đấy. Mong chờ thương nhớ khi “bóng chim tăm cá tìm đâu thấy” và tìm khắp “muôn nẻo đường tình vẫn biệt tăm” thế mà đến khi gặp lại dẫu là chỉ là “nghe tiếng thân quen” thôi. Nhưng ông lại có cái cảm giác trái ngược đến vậy “xa xôi” và “cách biển trời” là sao nhỉ? để tìm câu trả lời ta vào khổ kết:
Mong là mong vậy đó mà thôi. / Tình cũ ngày xưa đã hết rồi./ Người đi êm ấm trong nhung lụa. /Cho đời đơn lẻ- một mình tôi.
Vậy ra là “người đi êm ấm trong nhung lụa” nên ông mới thấy “ xa xôi”. Và cái khả năng bị ngăn sông cách trở ở trên suy đoán nó đã là sự thật rồi chăng?
Bây giờ thì mới vỡ lẽ ra “người bên ấy” chỉ là “tình cũ ngày xưa đã hết rồi”!
Giờ đây mới “hết rồi” sau khi “bóng chim” và “tăm cá” đã cho ông nghe được”tiếng thân quen”. Còn nếu “vẫn biệt tăm” thì có lẽ ông vẫn dõi tìm “bóng chim tăm cá” mỗi khi có dịp dù có bao lâu đi nữa!
Bóng Chim Tăm Cá với góc nhìn của cá nhân tôi là vậy! Nó đã biệt tăm khi xưa, để ông phải “nỗi nhớ quặn đau” mà “chờ đợi”. Sau nhiều năm vẫn là “bóng chim tăm cá” đã cho ông chút tin tức về “người bên ấy” để ông an lòng khi biết tin “người bên ấy” đã “êm ấm trong nhung lụa”.
Một bài thơ đã cho tôi rất nhiều trải nghiệm qua từng câu chữ chắt lọc với bốn khổ thơ diễn tả nội tâm của tác giả qua một dấu ấn cuộc tình đã đeo đẳng nhiều năm trong ông. Cám ơn tác giả!
Sài Gòn 1/12/2013
Huỳnh Xuân Sơn
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét