Thứ Ba, 2 tháng 8, 2016

Huỳnh Xuân Sơn Cảm Nhận Bài Thơ Còn Một Chút Mưa bay Của Tác Giả Nguyễn An Bình



Ai cũng có một thời tuổi hồng, thời của những rung động đầu đời. chẳng ai quên những kỷ niệm mến yêu ấy bao giờ cả! , nhưng nhớ bao lâu nhớ tới bao giờ thì mỗi người lại khác!

Bài thơ Còn Lại Chút Mưa Bay của tác giả Nguyễn An Bình cũng viết về đề tài ấy với những câu thơ da diết và nỗi nhớ về thời “yêu mà không dám ngỏ” :

Còn Lại Chút Mưa Bay

Mưa trốn nắng trong hiên đời cũ kỹ
Nắng trốn mưa sao cứ mãi đi tìm?
Tôi thơ dại trong cơn mơ mộng mị
Thấy đường gần đi mãi bỗng xa thêm.

Tôi tần ngần trước cây me đầu ngỏ
Vị chát chua của chùm quả đầu mùa
Em nhăn mặt rồi bỗng cười khúc khích
Tôi giật mình xao động tiếng gà trưa.

Gói ô mai dấu hoài trong chiếc cặp
Ai thèm ăn mà tôi vội để dành?
Mưa nặng hạt sợ người ta ướt áo
Sợ bùn vương làm bẩn gót chân son.

Hạ đỏ qua rồi thu vàng lại tới
Mưa vô tình xóa mất dấu chân ai
Chùm phượng vĩ lẻ loi trong nuối tiếc
Nở muộn màng trong nắng nhớ chiều phai.

Em mất hút bên bờ xa bến lạ
Mưa quê người có ướt áo em tôi?
Gói ô mai
vẫn còn
chưa kịp gởi
Lòng dặn lòng
… còn lại chút mưa bay.- (Nguyễn An Bình)




Bài thơ viết theo thể thơ mới (tám chữ) với những ngôn từ chắt lọc, mỗi câu thơ đều mang một sứ mệnh, một vai trò riêng lẻ để cuối cùng nhập lại thành dòng cảm xúc chuyên chở những kỷ niệm từ tuổi học trò:





Mưa trốn nắng trong hiên đời cũ kỹ / Nắng trốn mưa sao cứ mãi đi tìm? /Tôi thơ dại trong cơn mơ mộng mị /Thấy đường gần đi mãi bỗng xa thêm.

Khổ đầu tác giả dùng phương pháp ẩn dụ để nói nên những hồi ức về tuổi học trò mà có lẽ những kỷ niệm này đã đi theo tác giả suốt những năm qua. “Mưa trốn nắng” và lại “trốn trong hiên đời cũ kỹ” thì mưa đâu có còn nữa nếu có còn cũng là chút “mưa hắt” mà thôi.Và “Nắng cũng lại chốn mưa” nhưng kỳ lạ là “sao cứ mãi đi tìm”!

Chỉ mới hai câu đầu đã có tới hai mâu thuẫn, một mâu thuẫn theo qui luật tự nhiên của tạo hóa “mưa trốn nắng” lại trốn vào nơi để mất mình! và một mâu thuẫn do tự thân nó đã trốn lại đi tìm!

Hai mâu thuẫn này để làm nền cho việc tác giả muốn diễn tả hai cái mâu thuẫn của lòng mình chăng? Tác giả giờ đây đã quá nửa đời người rồi sao lại “thơ dại …” mà thơ dại này “trong cơn mộng mị”…mâu thuẫn trong lòng thứ hai đó là “thấy đường gần” nhưng “đi mãi..” đi đâu? Và làm gì? Để lại “thấy xa thêm”…Mâu thuẫn nối tiếp mâu thuẫn ta vẫn chưa thể hiểu tại sao chẳng còn gì ngoài “Một Chút Mưa Bay”…

Đành theo tác giả vào khổ thơ tiếp thôi:

Tôi tần ngần trước cây me đầu ngõ / Vị chát chua của chùm quả đầu mùa / Em nhăn mặt rồi bỗng cười khúc khích /Tôi giật mình xao động tiếng gà trưa.

Đi qua khổ thơ này ta hiểu rõ hơn về kỷ niệm thủa học trò với những rung động của con tim ngày đầu biết yêu của tác giả.

Ngày ấy sau buổi tan trường cậu học trò đã lặng lẽ theo cô bạn học về “tới đầu ngõ” và có lẽ vì có “cây me” mà cô nàng đang ở tuổi ô mai xí muội dừng lại để hái. Làm cho cậu bạn tần ngần, đi cũng dở ở thì ngượng. Và điều làm cho tác giả nhớ nhất là “em nhăn mặt rồi bỗng cười khúc khích” bởi cái hương “vịchát chua của quả đầu mùa” mang đến.

Cậu học trò năm xưa đã say xưa ngắm để rồi ‘tiếng gà trưa’ cất lên cậu mới ‘giật mình’. Hai từ ‘ xao động’ của tiếng gà trưa kia có lẽ cũng muốn gửi chút “xao động” của trái tim non nớt lần đầu biết yêu của tác giả.

Và bài thơ vẫn nối dài thêm cùng tình cảm của tác giả dành cho cô bạn gái:

Gói ô mai dấu hoài trong chiếc cặp. /Ai thèm ăn mà tôi vội để dành? /Mưa nặng hạt sợ người ta ướt áo / Sợ bùn vương làm bẩn gót chân son.

À thì ra sau khi thấy cô bạn mà mình “xao động” thích “vị chát chua” cậu đã về mua ô mai mang theo đến lớp. “Dấu hoài trong cặp” . Sao thế nhỉ ?

Có phải câu hỏi dối lòng “ai thèm ăn mà tôi vội để dành” để biện minh cho sự nhút nhát của chính tác giả hay không? Cô bạn chắc chắn thích ô mai còn tác giả lại cứ “dấu hoài trong cặp” rồi thì cứ nôn nao mà dõi theo mà lo lắng cho bạn ấy,nào là “sợ người ta ướt áo”, sợ cả “bẩn gót chân son” . Vậy mà gói ô mai thì vẫn cứ trong cặp.

Có lẽ bởi nếu đưa thì phải nói chuyện, biết đâu cô nàng lại hỏi? Tại sao biết là tớ tích ô mai? Không lẽ trả lời là vì thấy “nhăn mặt cười khúc khích” vậy là tự thú là đã theo dõi cô nàng rồi.

Chính vì sự nhút nhát này mà năm học đã trôi qua hè đến rồi “chia tay mùa hạ” vẫn chưa nói, chưa đưa. Có lẽ cậu định chờ vào năm học mới khi ngày khai trường cũng là lúc mùa thu tới cậu sẽ nói. Nhưng sự đời thường hay trớ trêu bởi:

Hạ đỏ qua rồi thu vàng lại tới / Mưa vô tình xóa mất dấu chân ai /Chùm phượng vĩ lẻ loi trong nuối tiếc/ Nở muộn màng trong nắng nhớ chiều phai.

Vậy là những rung động của trái tim nhút nhát ấy sau một mùa hè chia tay quay lại trường thì ôi thôi! Cô bạn ấy đã không đến trường học như thường lệ nữa. Tác giả viết “chùm phượng vĩ lẻ loi trong nuối tiếc” hay chính bản thân cậu giờ đây thấy “nuối tiếc” vì đã để lỡ dịp….và hình ảnh “chùm Phượng vĩ” “nở muộn màng trong “nắng nhớ chiều phai”. Có lẽ cũng chính là hình ảnh cậu học trò ngơ ngẩn trước “nuối tiếc” vì đã để “mất dấu chân ai”..

Khổ thơ kết đã tới mà vẫn chưa thấy tại sao lại “Còn Một Chút Mưa Bay”:

Em mất hút bên bờ xa bến lạ / Mưa quê người có ướt áo em tôi? /Gói ô mai /vẫn còn
chưa kịp gởi /Lòng dặn lòng /… còn lại chút mưa bay.

Cả bài thơ mà ta vừa đồng hành cùng tác giả có ba hình ảnh nói về mưa

Mưa trốn nắng…

Mưa xóa dấu chân ai

Mưa quê người…

Ba hình ảnh Mưa diễn tả ba khung cảnh và tâm trạng khác nhau của tác giả.

Mưa trốn….là hình ảnh mà lưu giữ trong tim tác giả kể từ ngày mà “mưa xóa dấu chân ai”. Có lẽ từ ngày ấy tác giả vẫn đau đáu trong tim cùng gói hành trang vào đời . Mỗi khi có dịp lại đi tìm dấu chân ấy và rồi cũng đã biết về một “mưa” ở tận “quê người”. có lẽ kể từ lúc biết và hỏi ‘mưa quê người có làm ướt áo em tôi?”.

Tác giả đã bớt đi phần nào “tiếc nuối” và hiểu rằng bây giờ đã xa lắm rồi thời “ô mai xí muội” chỉ vì “Mưa xóa dấu chân ai” nên tác giả đã trải qua những tháng năm trông ngóng cùng đợi chờ, đê nuôi dưỡng kỷ niệm bên mình cho đến hôm nay.

“Gói ô mai / vẫn còn/ chưa kịp gửi /” nhưng anh đã hiểu là không thể gửi dù lòng còn muốn gửi chăng. Rồi cuối cùng anh cũng đã “lòng dặn lòng/… Còn một chút mưa bay”.

Vâng anh ạ! tôi cũng đồng ý “chỉ còn là chút mưa bay” với anh, để mỗi khi có dịp ta lại nhớ về thuở còn “ngu ngơ” ấy ! cái nhút nhát, cái tình thầm thương trộm nhớ ấy, ai mà không có và ai lại không nhớ. Phải không tác giả Nguyễn An Bình?

Sài Gòn 6/12/2013

Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét